banner
 
Home Page
vanhoc

 
Home
 
Saigon Bao.com
Saigon Bao 2.com
 
Liên Lạc - Contact
 
Liên Lạc - Contact
 
 
 
Tài Liệu
 
Tài liệu
Tài liệu Lưu trữ
Tin tức Lưu trữ
Nguyễn Quang Duy
 
Cần Thiết
 
Directory
 
Phụ Trang
 
Mobile Version
BaoThoiSu.com
BaoPhongSu.com
BaoTuDo.com
 
Disclaimer
SaigonBao.com
1999-2021 All rights reserved
 
 
 
Diem Bao industry lifestyle
 
 
 
 
 
 
Trang Nhà -Tài liệu Dân chủ - Lưu trữ 2007 - Tài liệu Lưu trữ
 
 

VIETNAM  NEWS NETWORK (VNN)

P.O  Box  661162

Sacramento CA   95866

Phone & Fax: 916-480-2724

Email: vnn@vnn-news.com <mailto:vnn@vnn-news.com>

Website: www.vnn-news.com <http://www.vnn-news.com/>

 

**********************************

Bài Vở Hàng Ngày

Ngày 20 Tháng 09 Năm 2007

**********************************

 

1- Thời Sự Việt  Nam

- Lăng Ba Vi Bộ

Trần Khải

 

2- Tin Tức Quốc Nội

- Thư của nhà báo tự do Lê Xuân Lập gửi thủ tướng CSVN Nguyễn Tấn Dũng

 

3- Ðọc Báo Ngoại Quốc

- Intelasia Bị "Cây Gậy Lớn" Tấn Công Ở Việt Nam

Peter J Leech Intellasia.net (17/9/07) - Khánh Ðăng lược dịch

 

4- Tham Khảo

- Minh định với ông Nguyễn Minh Triết về điều 4 Hiến pháp trên quan điểm pháp lý và chính trị, văn hóa và đạo lý

Ls Nguyễn Hữu Thống

 

5- Câu Chuyện Việt  Nam

- Chuyện không thể không kể

Văn Quang

 

6- Văn Học Nghệ Thuật

- Mối Tình Việt Ấn

Nguyễn Phan Ngọc An

 

**********************************

 

1- Thời Sự Việt  Nam

 

- Lăng Ba Vi Bộ

 

Trần Khải

 (VNN)

 

Gọi dài dòng là Lăng Ba Vi Bộ. Gọi ngắn gọn là võ Lạng. Xuất phát từ truyện võ hiệp Kim Dung, Lăng Ba Vi Bộ là một môn võ lạng qua lạng lại, để người khác không níu được áo của mình, và nhà nứơc CSVN trước giờ theo truyền thống vẫn là cao thủ thượng thừa về môn võ Lạng naỳ.

Ðộc chiêu này đã được truyền thừa từ ông Hồ Chí Minh tới giờ. Không chỉ để xài cho các chuyện linh tinh trong đời thường, mà xài cả cho các chuyện lớn như quốc sự vẫn được. Linh tinh đời thường thì ai cũng biết rồi: chỉ vèo một cái là Bác dứt áo ra đi, tha hồ cho các nàng nắm gió, đừng hòng níu tới cái chéo áo của Bác. Còn chuyện quốc sự thì thấy đó: xóa sổ biết bao nhiêu là mảng lịch sử, từ chuyện Tết Mậu Thân cho tới Hiệp Ước Paris , không ai chèo kéo trách nhiệm gì được với Ðảng CSVN. Thêm nữa, quyền viết lịch sử đã trao cho Hà Nội rồi, còn ai mà chụp bắt được. Thế mới biết, cao thủ thi triển Lăng Ba Vi Bộ đã tới mức thượng thừa.

Nhưng lần này, có vẻ như môn võ Lăng Ba Vi Bộ đã bị chụp trúng ở một góc thủ đô Hoa Kỳ. Có phải chăng vì võ Lạng hết linh?

Thế đấy, dự luật nhân quyền cho VN vừa được Hạ Viện Mỹ thông qua hôm Thứ Ba 18-9-2007. Bản tin từ văn phòng Dân Biểu Loretta Sanchez gửi hôm Thứ Ba viết, trích:

"SANCHEZ ỦNG Hộ Dự LUẬT NHÂN QUYỀN CHO VIỆT NAM 2007

WASHINGTON, D.C. - Hôm nay, Dân Biểu Loretta Sanchez liên kết với các Dân Biểu Liên Bang Hoa Kỳ để ủng hộ Dự Luật Nhân Quyền Cho Việt Nam 2007, H.R. 3096. Hạ Viện Quốc Hội Hoa Kỳ thông qua nghị quyết 3096 (H.Res. 3096) với số phiếu 414 -3

Hôm qua, Sanchez đọc bản tuyên bố để bày tỏ lòng ủng hộ nhiệt quyết đến với Dự Luật Nhân Quyền Cho Việt Nam 2007. Bà thảo luận về sự đàn áp nhân quyền mà Việt Nam tiếp tục duy trì. Bà nói đây là thời điểm quan trọng mà Hoa Kỳ cần phải tạo áp lực để chính quyền Việt Nam thay đổi chính sách đàn áp..." (hết trích)

Thế là bà dân biểu Loretta Sanchez cũng cao thủ đấy nhé, ra chiêu nhanh như chớp, chận được môn võ Lạng của nhà nước CSVN khi bác Triết, bác Dũng tính màn chạy thoát trách nhiệm nhân quyền...

Dân biểu Ed Royce (cũng Quận Cam, Calif.) tuyên bố sau khi Hạ Viện bỏ phiếu xong: "Tôi hài lòng rằng Dự Luật Nhân Quyền Việt Nam đã thông qua Hạ Viện với phiếu áp đảo. Ðiều này gửi một thông điệp không nhầm lẫn cho Hà Nội rằng họ không thể tiếp tục việc bất kễ quan tâm tới nhân quyền." (hết trích)

Câu hỏi nơi đây rằng, lên Thượng Viện Mỹ, đảng CSVN có xài võ Lạng được hay không? Hay là rồi sẽ có một Thượng Nghị Sĩ John Kerry khác tiếp trợ Hà Nội?

Ðó là quan tâm của Ủy Ban Tự Do Tôn Giáo Cho Việt Nam (CRFV), khi cơ quan này nghĩ tới chiến dịch mới, bắt đầu tìm hình ảnh các nhà Tranh Ðấu Dân Chủ Trong Nước để hoàn thành những Postcards Vận Ðộng Dự Luật Nhân Quyền 2007 Tại Thượng Viện. Thư ngaỳ 17-9-2007 của bà Ngô Thị Hiền (ngothihien@gmail.com) chủ tịch Ủy Ban này viết, trích:

"...để dự luật này được thông qua Thượng Viện Hoa Kỳ sẽ rất cam go. (Dự Luật đã bị thất bại hai lần tại thượng viện, mặc dù được thông qua tại hạ viện với tỉ số tuyệt đối). Vì vậy Ủy Ban TDTG và Ủy Ban Cứu Người Vượt Biển dự định con đường vận động DL/NQ tại thượng viện như sau:

- Nhờ DB Chris Smith giữ dự luật tại Hạ Viện, chưa vội chuyển lên Thượng Viện, khi chúng ta chưa vận động đầy đủ, để tránh trường hợp như TNS John Kerry trước đây. Khi một TNS cầm giữ dự luật rồi thì dù chúng ta vận động thế nào cũng khó cho vị này trả lại tự do cho dự luật được biểu quyết tại thượng viện.

- Việc đầu tiên mà chúng tôi vận động là in ít nhất 10,000 postcards gồm 3 loại hình khác nhau, gồm nhiều nhà tranh đấu dân chủ và lãnh đạo tinh thần bị cầm tù và bản án của họ.

Anh Bùi Quang Lâm tại Arizona, một đại ân nhân của Ủy Ban TDTG sẽ in tặng cộng đồng hải ngoại những postcards này.

Ðể có thể in được những postcards đẹp, rõ; chúng tôi cần hình của các nhà tranh đấu mà chúng tôi hoặc thiếu, hoặc không có hình ảnh rõ nét

Danh sách các nhà dân chủ mà chúng tôi cần là:

- Hang Tấn Phát

- Vũ Hoàng Hải

- Nguyễn Ngọc Quang (Bạch Ðằng Giang Foundation)

- Phạm Bá Hải

- Lê Nguyên Sang

- Huỳnh Nguyên Ðạo

- Nguyễn Bắc Truyển

- Ðoàn Hữu Chương

- Nguyễn Tuấn

- Trần Thị Thùy Trang

- Hồ Thị Bích Khương

- Trần Quốc Hiển

- Lê Bá Triết

- Nguyên Phong

- Nguyễn Bình Thành

Chúng tôi tha htiết ước mong quí vị chủ diễn đàn, quí báo chí và quí đồng hương nếu có hình các nhà dân chủ nêu trên, xin nhín chút thì giờ gởi cho chúng tôi qua e-mail: ngothihien@gmail.com

Mong quí vị gởi cho chúng tôi càng sớm càng tốt, để chúng tôi có thể hoàn thành các postcards này trong thời gian ngắn nhất, để kịp vận động dự luật nhân quyền tại Thượng Viện..." (hết trích)

Ðiều cần suy nghĩ, có vẻ như Bạch Ốc và Bộ Ngoaị Giao đang muốn đưa tay ra cứu Hà Nội. Nếu độc giả nhớ rằng, theo lịch trình Hạ Viện bàn về dự luật vào Thứ Hai 17-9-2005, thì trứơc đó 3 ngày, hôm Thứ Sáu, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đưa bản phúc trình tự do tôn giaó, khen ngợi Hà Nội quá lời. Tại sao không giữ bản phúc trình thêm vài ngài để võ Lạng khó thi triển?

Nếu nhìn ra quốc tế, độc giả cũng có thể thấy không chỉ chính phủ ông Bush, mà ngay chính phủ Cộng Hòa Tiệp mấy hôm trước cũng dàn dựng để Thủ Tướng CSVN Nguyễn Tấn Dũng ra chiêu Lăng Ba Vi Bộ ngay giữa Prague.

Bản tin Czech News Agency (CTK) từ Prague hôm 17-9-2007 viết rằng các nhà lãnh đạo Tiệp đã đón Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng tưng bừng "bất kể tới bản nghị quyết trước đó của Quốc Hội Âu Châu chỉ trích chế độ VN vi phạm nhân quyền, theo tuần báo Tyden.

"Trong nghị quyết ra hồi giữa tháng 7-2007, Quốc Hội Âu Châu chỉ trích đợt đàn áp mới ở VN trong đó ít nhất 15 nhà lãnh đaọ bất đồng chính kiến bị án tù dài hạn kể từ mùa xuân, theo số mới nhất của tuần báo Tyden hôm Thứ Hai.

"Không chính khách Tiệp nào có lẽ từng đọc bản nghị quyết Quốc Hội Âu Châu, cho nên chuyến thăm Tiệp của Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng tuần trước không hề bị các lãnh đạo Cộng Hòa Tiệp nặng nhẹ lời chỉ trích nào, theo báo Tyden.

"Ngay như Ðài Truyền Hình qúôc doanh Czech Telkevision cũng chẳng bận tâm nói rằng còn một chế độ CS toàn trị đang cai trị ở Việt Nam, theo baó này.

"Quan hệ giữa 2 nước chúng ta chưa bao giờ tốt hơn bây giờ," theo lời Thủ Tướng tiệp Mirek Topolanek..." (hết dịch)

Trời ạ, thế mới biết rằng tuyệt chiêu Lăng ba Vi Bộ của ông Dũng đã tới thượng thừa.

Không ai chụp được một chéo áo nào về vi phạm nhân quyến sao?

Bây giờ là Hạ Viện Mỹ chụp được một chút rồi, cần thêm Thượng Viện Mỹ nữa, rồi tới chữ ký TT Bush.

Ðể rồi xem võ Lạng của ông Dũng hay tới đâu. Ráng chờ xem.

 

=END=

 

2- Tin Tức Quốc Nội

 

- Thư của nhà báo tự do Lê Xuân Lập gửi thủ tướng CSVN Nguyễn Tấn Dũng

 

Thư của nhà báo tự do Lê Xuân Lập gửi thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng

* Nhà báo tự do Lê Xuân Lập (blog)

 

Ðây là lá thư của đảng viên Lê Xuân Lập, một nhà báo tự do trong nước, viết trên trang blog của mình nói về tình trạng tuyên truyền một chiều của báo chí trong nước. Không biết người đứng đầu chính phủ CSVN trả lời thế nào về thực tế truyền thông báo chí trong nước, và kiến nghị "xin được ra báo tư nhân" này của nhà báo tự do Lê Xuân Lập, hay là sẽ lờ đi như từ trước tới nay. Nhà báo Lê Xuân Lập viết:

 

Sau rất nhiều cân nhắc, hôm nay mình quyết định gởi cho người đứng đầu Chính phủ bức thư này, không biết nó có đến được tay người nhận không? Và ông có sẵn lòng đáp lại thiện chí của mình không? Rất có thể sự việc sẽ diễn ra không dễ dàng chút nào, nhưng vì quyền lợi của những người viết báo tự do và lợi ích cộng đồng mình sẽ cố gắng làm thật tốt những gì mà khả năng mình có được.

 

THƯ GỞI THỦ TƯỚNG

Kính gởi: Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng

Hằng ngày theo dõi tin tức trên các phương tiện truyền thông trong nước tôi nhận thấy việc tuyên truyền của báo chí chúng ta vẫn mang nặng tính một chiều kiểu minh họa các chủ trương chính sách của Ðảng và Nhà nước như cách làm của nhiều chục năm trước đây. Chưa có một kênh thông tin mang tính chất phản biện xã hội nào thực sự hiệu quả, giúp Ðảng và Chính phủ nhìn nhận một cách rõ nét hơn mọi vấn đề của cuộc sống dưới nhiều góc độ khác nhau. Ðọc báo, nghe đài, xem tivi thường thấy có qúa nhiều tin bài sao chụp qua lại lẫn nhau; tính hấp dẫn, đa chiều trong thông tin chưa được thực sự coi trọng, nhiều tờ báo, nhiều chương trình phát thanh, truyền hình có rất ít đọc giả và khán, thính giả; nhiều sự vật hiện tượng của đời sống xã hội không được phản ánh một cách khách quan, khoa học; sự mất cân đối trong thông tin giữa nông thôn và thành thị ngày càng trở nên trầm trọng...Vậy mà đất nước ta lại đang tồn tại hơn 600 cơ quan thông tấn báo chí, cùng hàng chục ngàn nhà báo với hàng núi trang thiết bị hiện đại thì quả là một sự lãng phí hết sức to lớn.

Cũng bởi vì Ðảng và Chính phủ luôn luôn yêu cầu báo chí phải tránh đề cập đến những đề tài nhạy cảm ví như vấn đề biên giới, vấn đề khiếu kiện đông người, vấn đề tự do, dân chủ...v.v. và v.v... nên vô tình chúng ta đã "nhường sân chơi" này cho báo chí ngoài nước làm mưa, làm gió. Ðây cũng là một điểm yếu để các thế lực thù địch quốc tế có điều kiện tuyên truyền không tốt về nền dân chủ và nhân quyền ở nước ta, làm nhiễu loạn thông tin, phân tán nhân tâm của người đọc.

Trong điều kiện bùng nổ thông tin hiện nay, để chống lại sự xâm nhập thông tin từ bên ngoài (thường trái chiều với thông tin trong nước) chúng ta đang áp dụng một biện pháp hết sức thủ công là xây dựng một hệ thống an ninh mạng, lập tường lửa hoặc phá hỏng những trang tin điện tử mà ta cho là có hại. Thế nhưng kết quả thực tế là rất ít ỏi, bởi với sự phát triển vượt bậc của khoa học công nghệ, người đọc hoàn toàn có thể dễ dàng vô hiệu hóa sự che chắn bị động đó. Sẽ chẳng có một bức tường nào có thể ngăn cấm được nhu cầu tiếp nhận thông tin chính đáng, nhiều chiều của người dân. Còn ở góc độ phản biện thì báo chí trong nước thường chỉ nói một tiếng nói rất giống nhau thành thử không mấy thuyết phục. Gần đây, với sự xuất hiện của hàng ngàn trang blog cá nhân mỗi ngày mà đa phần đều có xu hướng nói chuyện chính trị và sử dụng chế độ công chúng (public) có khả năng kết nối cao, thì việc quản lý báo chí như kiểu chúng ta đang làm đã trở nên lỗi thời và kém hiệu quả.

Ðể khắc phục tình trạng trên, tôi kiến nghị Nhà nước nên nhanh chóng sửa đổi Luật Báo chí hiện hành theo hướng mở rộng tự do hơn nữa có cả "lề phải" lẫn "lề trái" cho báo chí; thành lập các tập đoàn báo chí hùng mạnh theo từng vùng, từng lãnh vực hoạt động, có đại diện ở nhiều nước và vùng lãnh thổ trên thế giới; hạn chế việc đầu tư tràn lan ngân sách cho báo chí; cho phép lập thí điểm một số hãng tin tư nhân hoạt động độc lập, trong khuôn khổ pháp luật, tiến tới thực hiện xã hội hóa báo chí, Nhà nước chỉ nắm một vài cơ quan thông tấn báo chí lớn.

Thư này gởi Thủ tướng, cá nhân tôi - một Ðảng viên Ðảng CSVN, một công dân tốt của đất nước, được đào tạo chính quy hệ ÐH tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền quốc gia, kính xin Thủ tướng cho phép tôi thành lập một tờ báo tư nhân, đi tiên phong trong việc xã hội hóa báo chí của nước nhà.

Tôi cũng hiểu rằng chiếu theo các quy định của pháp luật hiện hành thì cá nhân không được phép ra báo, vì thế trước hết tôi xin phép Thủ tướng cho lập Hội của những người viết báo Tự do VN (bao gồm những nhà báo không làm công ăn lương cho một cơ quan, tổ chức nào và điều này là hoàn toàn hợp pháp). Từ Hội này chúng tôi sẽ tiến hành các thủ tục xin phép ra báo đúng theo quy định của pháp luật. (tôi xin gởi kèm theo đây bản Ðiều lệ Hội Nhà báo Tự do VN do tôi dự thảo để Thủ tướng tham khảo)

Xin gởi tới Thủ tướng lời chúc sức khỏe trân trọng. Mong sớm nhận được câu trả lời từ Thủ tướng!

 

Biên Hòa ngày 10-9-2007

Người gởi

Lê Xuân Lập

 

* Sao chụp từ NGHỀ BÁO (Hội Nhà Báo TP.HCM) số 58 tháng 8.2007

 

250

 

***

 

* Thư ngỏ

 

20-12-2006

Kính gửi: Các nhà báo tự do và các bạn. Cá nhân tôi - một người viết báo tự do xin gửi tới các đồng nghiệp và tất cả đội ngũ những người cầm bút cùng toàn thể các bạn lời chào đoàn kết và kính trọng.

Kính thưa các bạn!

Ngày nay với sự lớn mạnh của đất nước Việt Nam đổi mới và tiến nhanh trên con đường hội nhập quốc tế đã và đang hình thành ngày càng đông một đội ngũ những người viết báo tự do, hoạt động độc lập với các cơ quan báo chí hiện hữu. Trong số này, có người gắn bó với nghề báo trong nhiều thập kỷ qua, có những người đã để lại dấu ấn đậm nét trong lòng bạn đọc... Nhiều nhà báo tự do đang ngày đêm lao tâm khổ tứ tạo nên những tác phẩm báo chí tâm huyết nhưng vì những lý do khác nhau, nhất là do tính chất riêng cùng những giới hạn nhất định của từng tờ báo mà họ cộng tác nên đành phải chấp nhận vị trí bị nhiều hạn chế, thậm chí bị lãng quên và những tác phẩm ấy đã không có cơ hội đến được với bạn đọc. Các nhà báo tự do còn gặp rất nhiều khó khăn, trở ngại trong hoạt động nghiệp vụ, tiếp cận thông tin và chưa được xã hội thừa nhận. Ước nguyện về một hội đoàn riêng để khẳng định một nghề nghiệp có thật, hợp pháp, hữu ích; để họp mặt, chia sẻ tâm tư đồng thời giúp đỡ lẫn nhau trong công việc cũng như trong cuộc sống hàng ngày của các nhà báo tự do ngày càng trở nên cần thiết và chính đáng.

Từ suy nghĩ đó, cá nhân tôi đã cố gắng biên soạn bản dự thảo Ðiều lệ Hội Nhà báo tự do Việt Nam (xem mục dự thảo Ðiều lệ dưới đây) và xin có lời mời các bạn tham gia góp ý kiến. Nếu việc thành lập một tổ chức hội đoàn của những người viết báo tự do thực sự là ý nguyện chung của nhiều người, chúng ta sẽ cùng nhau chung sức hành động để ước vọng đó mau chóng thành hiện thực. Với mục đích trong sáng, rõ ràng như vậy, hy vọng một ngày không xa, Hội Nhà báo tự do Việt Nam sẽ được thành lập một cách hợp pháp và những nhà báo tự do Việt Nam sẽ có một Hiệp hội đủ mạnh, có tiếng nói tin cậy góp phần tích cực vào sự phát triển tươi sáng của đất nước.

Tôi xin bày tỏ lòng biết ơn chân thành và mong nhận được sự cộng tác của các đồng nghiệp, và tất cả các bạn.


Nhà báo, luật gia XUÂN LẬP


***


ÐIỀU LỆ HộI NHÀ BÁO Tự DO VIỆT NAM

(Dự thảo)


Chương I

TÔN CHỈ MụC ÐÍCH

Ðiều 1:

Hội Nhà báo Tự do Việt Nam là tổ chức xã hội nghề nghiệp tự nguyện của những người viết báo tự do Việt Nam không làm công, ăn lương từ một cơ quan báo chí nào. Hội hoạt động trong khuôn khổ pháp luật của Nhà nước Việt Nam và Ðiều lệ Hội.


Ðiều 2:

Hội Nhà báo Tự do VN có nhiệm vụ:

- Góp phần bồi dưỡng nâng cao tay nghề báo chí cho các hội viên nhất là về nghiệp vụ, kỹ năng viết báo.

- Tham gia xây dựng các chính sách pháp luật của Nhà nước về thông tin báo chí, vế quyền con người, thực hiện quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận của công dân theo Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước và Công ước Quốc tế.

- Liên hệ với các cơ quan báo chí, các tổ chức xã hội chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho hội viên. Bảo vệ và giúp đỡ người viết gặp khó khăn, trở ngại khi hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật.

- Hướng dẫn hội viên thực hiện quy ước, đạo đức nghề nghiệp báo chí.

 

Chương II

HộI VIÊN

Ðiều 3:

Hội viên là những người tán thành tôn chỉ mục đích và Ðiều lệ của Hội, tự nguyện xin vào Hội và có đủ các điều kiện sau:

- Có bản lĩnh vững vàng và đạo đức nghề nghiệp trong sáng, ủng hộ sự nghiệp đổi mới của đất nước, có điều kiện hoạt động báo chí, có khả năng đóng góp vào sự phát triển của Hội.
- Có tác phẩm báo chí, có uy tín nghề nghiệp được công chúng và đồng nghiệp công nhận.
- Người muốn tham gia Hội phải có đơn xin vào Hội, kèm lý lịch tự khai và 2 tác phẩm báo chí được phổ biến đến công chúng.

Ðiều 4:

Nhiệm vụ của Hội viên:

- Tôn trọng và thi hành Ðiều lệ, Nghị quyết của Hội, tham gia tích cực các hoạt động của Hội và đóng hội phí.

- Không ngừng rèn luyện để nâng cao trình độ học vấn và kỹ năng nghề nghiệp
- Thực hiện đầy đủ quy ước về đạo đức nghề nghiệp báo chí.

Ðiều 5:

Quyền của Hội viên:

- Ðược thông tin, thảo luận và tham gia các hoạt động của Hội.

- Ðược ứng cử, đề cử và bầu người vào BCH Hội.

- Ðược tạo điều kiện đào tạo, bồi dưỡng về chính trị, nghiệp vụ, kỹ năng làm báo, được hưởng các phúc lợi tinh thần, vật chất do hoạt động của Hội đem lại.

- Ðược Hội bảo vệ và giúp đỡ lúc gặp trở ngại khi làm nhiệm vụ báo chí hoặc lúc khó khăn, hoạn nạn và khi tuổi già sức yếu.

Ðiều 6:

- Hội viên không hoạt động, không sinh hoạt Hội trong thời gian qúa 6 tháng mà không có lý do chính đáng thì BCH Hội xem xét xóa tên khỏi Hội.

- Ðối với hội viên cao tuổi hoặc sức yếu được tạo điều kiện thuận lợi để tham gia sinh hoạt Hội.

 

Chương III

NGUYÊN TẮC TỔ CHỨC CỦA HộI

Ðiều 7:

Hội Nhà báo Tự do Việt Nam được tổ chức theo nguyên tắc dân chủ, bình đẳng, bác ái và thực hiện chế độ lãnh đạo toàn thể, mọi thành viên đều có quyền lợi và nghĩa vụ ngang nhau trong đó hạt nhân là Chủ tịch Hội và BCH Hội.

Ðiều 8:

Ban Chấp hành Hội gồm có:

- 01 Chủ tịch Hội, phụ trách chung

- 01 Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký

- 01 Phó Chủ tịch ngoại vụ

- 01 Phó Chủ tịch nội vụ

- Các ủy viên BCH

Ðiều 9:

Nhiệm vụ của BCH

- Soạn thảo và phổ biến các Nghị quyết, các báo cáo của Hội.

- Tổ chức các hoạt động nghiệp vụ và phong trào cho hội viên.

- Tổ chức tổng kết và đề ra phương hướng hoạt động của Hội.

Ðiều 10:

Nhiệm kỳ của BCH Hội là 3 năm. Sau mỗi nhiệm kỳ, BCH có trách nhiệm tổ chức Ðại hội toàn thể hội viên bầu Chủ tịch, các Phó Chủ tịch Hội và các ủy viên BCH Hội.

Chương IV

TÀI CHÍNH CỦA HộI

Ðiều 11:

Tài chính của Hội gồm có:

- Hội phí do hội viên đóng góp.

- Các nguồn thu tài chính, hiện vật do các hoạt động của Hội mang lại; các nguồn tài trợ, ủng hộ hợp pháp từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.

 

Chương V

KHEN THƯỞNG- KỶ LUẬT

Ðiều 12:

Tổ chức Hội, BCH Hội và các hội viên có thành tích trong hoạt động báo chí và công tác hội được lãnh đạo Hội khen thưởng.

Ðiều 13:

Tổ chức Hội, BCH Hội và các hội viên vi phạm điều lệ, vi phạm pháp luật và đạo đức nghề nghiệp của người làm báo gây tổn hại danh dự, uy tín của Hội, thì tùy theo mức độ sai phạm mà thi hành các hình thức kỷ luật: khiển trách, cảnh cáo, khai trừ ra khỏi Hội.

Chương VI

ÐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Ðiều 14:

Ðiều lệ Hội Nhà báo tự do Việt Nam có hiệu lực thi hành khi có 2/3 số hội viên biểu quyết thông qua. Việc sửa đổi, bổ sung Ðiều lệ phải được 2/3 tổng số hội viên tán thành trong một cuộc họp toàn thể.


Hà Nội ngày 12-06-2006

 

=END=

 

3- Ðọc Báo Ngoại Quốc

 

- Intelasia Bị "Cây Gậy Lớn" Tấn Công Ở Việt Nam

Intellasia attacked: The Big Stick

 

Peter J Leech Intellasia.net (17/9/07)

Khánh Ðăng lược dịch

 

Công an chính trị CSVN và bộ văn hóa đã ra lịnh cho trang web intellasia.com, do người Úc làm chủ và xuất bản, phải đóng cửa hoặc gặp thêm nhiều sự bách hại nghiêm trọng, phạt vạ và sách nhiễu đối với chủ nhân gốc người Úc và bà vợ, cùng với công ty của ông ta tại Việt Nam, mà những sư việc này đã và đang xảy ra trong ba tháng qua.

Do đó, để tuân hành, chúng tôi phải đóng trang web intellasia.com và chuyển sang trang web phụ, intellasia.net, hoàn toàn không có sự liên kết nào với intellasia.com và dịch vụ kinh doanh cung cấp bởi công ty chúng tôi tại Việt Nam.

Nhưng một lần nữa Intellasia lại bị đặt dưới sự tấn công liên tục tiếp sau cuộc công kích chính thức t phía chính quyn trên mạng online hồi tháng trước, khi công an chính trị PA25 của Việt Nam vào ngày 17 tháng 8 đã xử dụng các tờ báo quốc doanh trên mạng internet để cố tình phá huỷ uy tín của Intellasia, và chủ nhân gốc người Úc cùng bà vợ, về nội dung của các bản tin kinh doanh của trang web Intellasia.

Tiếp theo những lời biện hộ được đưa ra sau đó bởi Intellasia trong cùng một ngày dưới tiêu đề Intellasia under attack, thì sau đó vào ngày Thứ Tư 21/8, cá nhân tôi là chủ nhân của trang web đã chính thức bị phạt 20 triệu đồng VN về vấn đề chiếu khán visa, mà tôi tin một cách rõ ràng đây là sự trả đũa ăn miếng trả miếng cho việc công khai bảo vệ Intellasia và vợ chồng tôi, về cái mà công an PA25 cho là trang nhà Intellasia.com do người Úc làm chủ đã hoạt động "bất hợp pháp".

Ở một mặt trái khác, khi chúng tôi đóng tiền phạt thì một nữ cán bộ nhà nước nói rằng bà ta được lệnh công an PA25 cho tôi biết, để cảnh cáo tôi một cách rõ ràng, gián tiếp qua vợ tôi là nếu tôi không sớm sủa rời Việt Nam thì "có nhiều hành động trừng phạt nghiêm trọng hơn, sẽ được đưa ra để áp đặt đối với tôi". Cân nhắc về lời đe doạ này, tôi buộc phải bỏ lại người vợ và đứa con trai còn nhỏ tại Việt Nam và quay về Perth, Úc Châu, vào ngày 25/8, là nơi tôi đang cư trú và biên soạn trang web Intellasia trên căn bản hàng ngày.

Nhưng sự tấn công (của công an PA25) không ngừng ở đó. Sau một thời gian tạm lắng đọng khoảng một, hai tuần lễ kể từ khi tôi bắt buộc phải rời Việt Nam, thì bắt đầu vào ngày Thứ Hai 10/9, công an PA25 đã khởi sự việc ngăn chặn tách rời trang web intellasia.com làm cho trang web này không thể truy cập vào được tại Việt Nam, khi xử dụng các công ty cung cấp dịch vụ internet từ trong nước.

Cộng thêm là việc công an PA25 trong hai tuần vừa qua đã tiến hành một cuộc tấn công đồng bộ vào máy chủ của chúng tôi đặt tại Mỹ, xử dụng cái được biết qua kỹ thuật là "Brute Force Attacks" để toan tính xâm nhập vào máy chủ (trên 15 ngàn BFA chỉ vào riêng một đêm Thứ Bảy), và dùng nhiều chương trình tấn công DDOS khác nhau (để làm tê liệt trang web, không thể truy cập được), và kể từ hôm Thứ Sáu cách đây một tuần, vào ngày 14/9, sự ngăn chặn kỹ thuật đã được đưa vào để chặn đứng tất cả các điện thư của công ty chúng tôi gởi đi và nhận vào từ Hoa Kỳ.

Vậy thì vì lý do gì mà Intellasia bỗng nhiên bị tấn công? Chúng tôi chưa hề gặp một dấu hiệu nào cho thấy là chúng tôi có bất cứ vấn đề gì trong quá khứ và không có sự báo động nào về những việc rối rắm sẽ đến; đây thật sự là một tai họa từ trời giáng xuống mà không có lý do. Thêm nữa, Intellasia chưa bao giờ nhận được bất cứ thông tư chính thức nào hoặc ngay cả những lời cảnh báo bán chính thức nếu thật sự công ty đã vi phạm luật lệ Việt Nam.

Vào ngày 29/6, chúng tôi nhận được fax từ bộ văn hoá cáo buộc trang web Intellasia đăng tải những bài báo có nguồn gốc nước ngoài mang "nội dung xấu". Rồi công an đến lục soát văn phòng, và chúng tôi liên tục bị sách nhiễu bởi công an PA25 qua nhiều tuần lễ với một sự căng thẳng làm chúng tôi rất giao động.

Cú tấn công đầu tiên của công an PA25 bắt đầu bằng những cáo buộc về "các bài báo không đúng đắn" trên trang web Intellasia, và sự buộc tội rất vô lý của PA25. Rất khó mà hiểu được như thế nào mà các bản tin tường thuật rất đa dạng của các hãng thông tấn như AFP, DPA, Reuters, AP hoặc các phương tiện truyền tải tin tức điện tử khác và báo chí quốc tế có thể bị khép vào tội "tuyên truyền chống nhà nước".

Intellasia trong quá khứ thỉnh thoảng đã có những bài báo liên quan đến các nhà tranh đấu lấy xuống từ các phương tiện truyền tải tin tức điện tử quốc tế trong 2 năm qua, chúng tôi bao gồm cả những tin tức này, đơn giản vì đây chỉ là một câu chuyện thời sự khác về Việt Nam, và đó là một phần công việc của chúng tôi; trình bày tất cả các tin tức một cách cân bằng, không cần biết là về vấn đề gì. Chúng tôi không và sẽ không bao giờ là một tổ chức chỉ đưa ra những bài báo với "tin tức tốt đẹp", rồi quét vào xó tất cả những tin tức khác, giả vờ là những tin tức đó không hề có.

Thất bại trên khía cạnh đó, áp lực chính thức (của nhà nước Việt Nam) từ đó quay toàn bộ sang việc tập trung vào cái gọi là "trang web bất hợp pháp" và sự cù nhầy của Bộ văn hóa buộc công ty chúng tôi phải xin một giấy phép cho trang web trên mạng. Bây giờ thì điều đó có vẻ đã khá lộ liễu, và thật vậy, công ty chúng tôi đã làm đơn xin giấy phép trong vòng 2 năm qua, nhưng đã bị từ chối và mới đây lại bị thêm một lần nữa.

Nhưng đây chính là vấn đề mâu thuẫn: công ty chúng tôi không thể đi qua đường lối chính thức để xin giấy phép cho trang web vì tất cả hồ sơ của công ty đã bị công an PA25 tịch thu cách đây 10 tuần lễ, và họ nhất định từ chối việc hoàn trả hồ sơ lại cho chúng tôi với lý do "vụ việc đang được xử lý". Một nhà nước khó hiểu, chuyên bóp méo xuyên tạc như vậy chỉ có thể có trong những trang sách của cuốn tiểu thuyết 1984 của George Orwell.

Vậy thì vụ tấn công chính trị dơ bẩn, hay tấn công kinh doanh dơ bẩn này là để xoá sổ Intellasia? Hoặc ai đó có thể nói rằng sự kiện này giống như một hình thức để quốc hữu hóa tài sản của người nước ngoài, nhưng trong trường hợp điển hình này, đây không phải một vụ tịch biên tài sản của một công ty ngoại quốc mà người viết chợt nhớ lại như trường hợp của các quốc gia Nam Mỹ cách đây vài thập niên, nhưng việc xóa bỏ hoàn tòan sự nghiệp của một người nước ngoài, được tạo dựng qua nhiều năm, bằng cái luật pháp "thộp cổ đối tượng" làm rối rắm như mớ bòng bong để tạo điều kiện cho các đối tác quốc doanh chiếm đoạt cái vị trí trên thị trường của người này, hoặc cái mà được thấy rõ ràng, có thể lại là một công ty tư nhân nhảy vào tranh giành dưới "ô dù" bảo vệ của một đối tác nhà nước. Hành động để loại bỏ một đối thủ theo kiểu này đã xảy ra rất nhiều lần trong quá khứ, như chúng ta đã thấy trong các bản tin được tường thuật hàng ngày.

Ðây có lẽ là một cảnh báo cho bất cứ một tổ chức nước ngoài nào tại Việt Nam. Ngay cả việc sau một chục năm làm ăn ở Việt Nam để tạo dựng lên một doanh nghiệp cho gia đình, thì "cái gậy lớn" có thể đập xuống bất cứ lúc nào. Ðại khái giống như việc chúng ta nghe thấy một kẻ bạc phước nào đó bị tai nạn lưu thông trên xa lộ, có người sẽ nói "thật tội nghiệp", nhưng đồng thời lại tin chắc rằng tai nạn này sẽ không bao giờ xảy đến cho họ. Nhưng dĩ nhiên là sự xui xẻo có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Luật pháp cổ hũ và sự hung hăng đâm lén sau lưng không phải là lối để giải quyết những tranh chấp trong một xã hội với nền pháp luật văn minh. Nhưng ở Việt Nam, không có việc được cai trị dưới pháp luật, mà chỉ có việc bị cai trị bằng luật pháp - cây gậy lớn được đưa vào nơi mà tiến trình đúng đắn của pháp luật không được áp dụng, và công an luôn nghĩ rằng họ có thể ra tay bất cứ lúc nào, hành xử trên cả luật pháp của Việt Nam và coi thường pháp luật của những quốc gia khác.

Những điều trên đây không có ngụ ý để phê bình trả đũa lại công an, và dĩ nhiên là cả nhà nước cũng như nhân dân Việt Nam. Nó chỉ có ý đưa ra một cách chi tiết những sự việc đã xảy ra và cái lối mà hệ thống làm việc tại Việt Nam có thể - và rất thường xuyên - làm xập bẫy những kẻ không đề phòng bất cứ lúc nào.

 

Peter J Leech

Chủ nhân và nhà xuất bản

Intellasia.com
Intellasia.net

 

=END=

 

4- Tham Khảo

 

- Minh định với ông Nguyễn Minh Triết về điều 4 Hiến pháp trên quan điểm pháp lý và chính trị, văn hóa và đạo lý

 

Ls Nguyễn Hữu Thống

 

Tháng 8 vừa qua, ông Nguyễn Minh Triết, Chủ Tịch Nước, đã nói chuyện về Ðiều 4 Hiến Pháp với các cán bộ lãnh đạo và công nhân viên chức Tổng Cục Chính Trị Bộ Quốc Phòng.

Trong dịp này ông nhấn mạnh đến nhiệm vụ của Quân Ðội Nhân Dân là xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc Việt Nam Xã Hội Chủ Nghĩa. Mà muốn tiến lên Chủ Nghĩa Xã Hội phải xây dựng và bảo vệ Ðảng Cộng Sản. Ðó là lập trường bất di bất dịch: "Dù ai nói ngả nói nghiêng, dù ai có muốn bỏ Ðiều 4 Hiến Pháp gì đó thì không có chuyện đó. Bỏ cái đó đồng nghĩa với chúng ta tuyên bố chúng ta tự sát".

Như vậy, đối với các cán bộ đảng viên, khẩu hiệu tuyên truyền chiến lược của Ðảng Cộng Sản là: "Bỏ Ðiều 4 Hiến Pháp là bỏ Ðảng, là tự sát".

Trên quan điểm pháp lý và chính trị, văn hóa và đạo lý, chúng ta minh định với ông Nguyễn Minh Triết về Ðiều 4 Hiến Pháp.

Ðiều 4 viết: "Ðảng Cộng Sản Việt Nam, đội tiền phong của giai cấp công nhân... đại biểu trung thành của cả dân tộc, theo chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, là lực lượng lãnh đạo Nhà Nước và xã hội". Ðiều này chép lại Ðiều 6 Hiến Pháp Liên Bang Sô Viết dành độc quyền lãnh đạo cho Ðảng Cộng Sản Liên Xô.

Sau cuộc Cách Mạng Dân Chủ tại Ðông Âu năm 1989 và tại Liên Xô năm 1991, tất cả các nước cộng sản cũ tại miền thế giới này đã đồng loạt xóa bỏ 3 điều trong Hiến Pháp:

Chủ Nghĩa Xã Hội Mác-Lênin và chế độ Chuyên Chính Vô Sản

Sự Ðộc Quyền Tư Tưởng và Ðộc Quyền Ý Thức Hệ

Chính sách Ðộc Ðảng và Ðộc Quyền Lãnh Ðạo của đảng cầm quyền.

Ngày nay, mặc dầu không còn "Ðiều 6 Hiến Pháp" tại Cộng Hòa Nga cũng như tại các quốc gia đã giã từ chế độ cộng sản, những thành phần giác ngộ và tiến bộ trong các đảng cộng sản cũ đã thay đổi chủ trương và tư duy để kết tập trong các tổ chức chính trị theo Chủ Nghĩa Dân Chủ Tự Do hay Dân Chủ Xã Hội (Democratic Socialism). Va,ụ thay vì "tự sát", họ vẫn có vai trò và chỗ đứng trong cuộc đấu tranh đại nghị đòi thực thi tự do nhân quyền cho người dân và phát triển kinh tế cho đất nước. Mấy năm trước đây, một vị lãnh đạo Ðảng Cộng Sản Ba Lan cũ đã được quốc dân bầu vào chức vụ thủ tướng. Và đương kim Thủ Tướng Cộng Hòa Liên Bang Ðức cũng là một nữ chính khách đã từng sinh hoạt trong chế độ Cộng Hòa Dân Chủ Ðức (Ðông Ðức).

Ðó là những dẫn chứng điển hình để phản bác lời tiên đoán có tính hù dọa của ông Nguyễn Minh Triết trước tập thể Quân Ðội Nhân Dân bằng khẩu hiệu "Ðộc Ðảng hay là Chết!".

Cũng như tại các quốc gia văn minh trên thế giới, hai mục tiêu chiến lược của Việt Nam ngày nay là xây dựng dân chủ và phát triển kinh tế xã hội. Công cuộc này đòi hỏi phải có tự do nhân quyền trong một nhà nước Dân Chủ Pháp Trị.

Ðiều nghịch lý là hiện nay hệ thống luật pháp thực dụng để phục vụ quyền lợi của Ðảng CS không có tính Chính Thống Pháp Lý. Vì nó đi trái Luật Quốc Tế Nhân Quyền do Liên Hiệp Quốc ban hành để áp dụng cho tất cả mọi người.

Vì nhu cầu tuyên truyền đối ngoại, Hiến Pháp 1992 hiện hành đã ghi chép hầu hết những nhân quyền và những quyền tự do cơ bản của người dân, từ tự do dân sự, tự do tinh thần, tự do chính trị đến những quyền kinh tế xã hội và văn hóa giáo dục. (Còn sự tước đoạt nhân quyền bằng các đạo luật áp dụng vi hiến do quốc hội ban hành, cũng như bằng sự giải thích luật pháp xuyên tạc của tòa án, lại là vấn đề khác).

Tuy nhiên, có hai ngoại lệ phát sinh từ thuyết Chuyên Chính Vô Sản là các hệ thống độc quyền tư tưởng và độc quyền lãnh đạo của Ðảng Cộng SảnHai độc quyền này được định chế hóa bởi Ðiều 4 Hiến Pháp. Hậu quả là Ðiều 4 có tác dụng phủ nhận toàn diện và phá vỡ tất cả những định chế hiến pháp dân chủ liên quan đến 26 nhân quyền và những quyền tự do cơ bản của người dân mà nhân loại văn minh đã khổ công xây dựng từ hàng trăm năm nay.

Trên bình diện chính trị và văn hóa, đó là quyền dân tộc tự quyết, quyền tự do tư tưởng, tự do văn hóa, tự do phát biểu, tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do xuất bản, quyền thông tin, quyền bình đẳng trước pháp luật, quyền bình đẳng cơ hội tham gia chính quyền, quyền tự do tuyển cử, quyền tự do lập đảng, quyền mít-tinh biểu tình, quyền khiếu nại khiếu tố, và đặc biệt là quyền đối kháng là một quyền liên lập và liên quan với quyền tự do phát biểu, tự do hội họp, tự do lập đảng, tự do tuyển cử và quyền tham gia chính quyền. Những quyền này được quy định trong Luật Quốc Tế Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc mà các quốc gia hội viên kết ước đã minh thị cam kết sẽ tôn trọng và thực thi.

Về mặt pháp lý và chính trị, văn hóa và đạo lý, Ðiều 4 Hiến Pháp đi trái Luật Quốc Tế Nhân Quyền, phản lại Hiến Pháp và đi trái Lòng Dân.

 

Ðiều 4 Hiến Pháp đi trái Luật Quốc Tế Nhân Quyền

Năm 1977, Việt Nam gia nhập Liên Hiệp Quốc và có nghĩa vụ pháp lý phải tôn trọng, bảo vệ và thực thi những điều khoản nhân quyền trong Hiến Chương Liên Hiệp Quốc (1945), Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền (1948) và Phụ Ðính Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền (1998).

Năm 1982 Việt Nam tham gia Công Ước Quốc Tế về Những Quyền Dân Sự và Chính Trị (Công Ước Dân Sự Chính Trị). Về mặt quốc tế công pháp, Công Ước này đã được chính phủ ký kết và quốc hội phê chuẩn, nên có giá trị là một hiệp ước quốc tế, và có hiệu lực pháp lý cao hơn luật pháp và hiến pháp quốc gia.

Trên bình diện pháp lý và đạo lý, muốn có chính thống phải đặt vấn đề Chính Danh. Người xưa nói: "Danh có chính thì ngôn mới thuận, ngôn có thuận thì việc mới thành". Quan niệm Chính Danh do các nhà hiền triết Ðông Phương đề xướng từ 2500 năm để phân biệt trắng đen, phải trái, chính tà, thiện ác. Ngày nay, hơn bao giờ hết, nó có tính thời sự. Do chính sách thông tin một chiều, với tuyên truyền dối trá, che giấu sự thật, không trọng lẽ phải, văn hóa và đạo lý.

Về mặt chính trị xã hội, với quan niệm Chính Danh, chúng ta phân biệt Dân Chủ và Chuyên Chế, Dân Chủ Pháp Trị và Ðộc Tài Ðảng Trị, Công Lý và Bất Công, Nhân Quyền và Bạo Quyền. Mà muốn có dân chủ pháp trị phải có xã hội đa nguyên và chính trị đa đảng. Trong chế độ độc tài đảng trị chúng ta gặp trở ngại do cái gọi là chuyên chính vô sản, chuyên chính tư tưởng, pháp quyền XHCN và dân chủ tập trung.

Dân chủ tập trung là gì? Theo Hồ Chí Minh, "dân có quyền có tài sản: đó là dân chủ. Nhưng vì dân không biết giữ nên phải giao cho Chủ Tịch Ðảng giữ dùm. Chủ Tịch bỏ vào rương, khóa lại và cất chìa khóa vào túi: đó là tập trung". Tài sản ở đây có thể là ruộng đất mà Ðảng CS đã công hữu hóa, mà cũng là quyền lợi của công dân, như những quyền dân sự chính trị, kinh tế xã hội và văn hóa giáo dục. Những quyền này được Luật Quốc Tế Nhân Quyền đề xướng và bảo vệ, nhưng đã bị Ðảng cất giữ và khóa kín không cho Dân sử dụng.

Từ thập niên 1910 Nguyễn Tất Thành có chấp phụ là Phan Chu Trinh, sư phụ là Phan Văn Trường, có các chiến hữu như Nguyễn Thế Truyền, Nguyễn An Ninh và các đồng chí như Leon Blum, Maurice Moutet trong Ðảng Xã Hội Pháp. Nguyễn Ái Quốc không phải là tên riêng của ông, mà là bút hiệu chung của "Ngũ Long" Phan Chu Trinh, Phan Văn Trường, Nguyễn Thế Truyền, Nguyễn An Ninh và Nguyễn Tất Thành. Dưới bút hiệu này, họ đã viết những bài đòi quyền Dân Tộc Tự Quyết trên các báo Xã Hội như Humanité (Nhân Loại) hay Le Populaire (Dân Chúng). Nhưng từ các thập niên 1920 và 1930, khi quy phục Stalin và Mao Trạch Ðông trong các Ðảng Cộng Sản, gần mực thì đen, Hồ Chí Minh đã trở thành vô minh quên hết tình tự dân tộc, chỉ nghĩ đến việc thiết lập dân chủ tập trung và chuyên chính vô sản.

Nhân quyền và những quyền tự do cơ bản được đề xướng và khai triển trong Phụ Ðính Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền do Liên Hiệp Quốc ban hành năm 1998 nhân dịp kỷ niệm 50 năm Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền (1948).

Phần Mở Ðầu Tuyên Ngôn Phụ Ðính viết:

"Cần nhắc lại rằng nhân quyền và những quyền tự do cơ bản có tính toàn cầubất khả phân, liên lập và liên quan với nhau, nên phải được đề xướng và thực thi công bằng và đồng đều, sự thực thi quyền này không gây trở ngại cho sự thực hiện quyền kia.

"Nhấn mạnh rằng Quốc Gia có trách nhiệm tiên khởi và có nghĩa vụ phải đề xướng và bảo vệ nhân quyền và những quyền tự do cơ bản".

Những quyền này được ghi trong Luật Quốc Tế Nhân Quyền như Hiến Chương Liên Hiệp Quốc, Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền và Tuyên Ngôn Phụ Ðính, cũng như trong Công Ước Quốc Tế về Những Quyền Dân Sự và Chính Trị, và Công Ước Quốc Tế về Những Quyền Kinh Tế Xã Hội và Văn Hóa. Căn cứ vào Luật Quốc Tế Nhân Quyền, các quốc gia hội viên Liên Hiệp Quốc, đặc biệt là các quốc gia đã ký kết tham gia Công Ước Dân Sự Chính Trị, chỉ có thể chấp nhận một loại nhân quyền duy nhất áp dụng trên toàn cầu cho tất cả mọi người.

Chiếu Ðiều 2 Công Ước Dân Sự Chính Trị, các quốc gia hội viên Liên Hiệp Quốc tham gia Công Ước đã cam kết tôn trọng và bảo đảm thực thi những quyền tự do cơ bản được thừa nhận cho tất cả mọi người sống trong lãnh thổ quốc gia. Trong trường hợp những quyền tự do cơ bản ghi trong Công Ước chưa được quy định thành văn trong hiến pháp và luật pháp quốc gia (như quyền tự do tư tưởng), thì các quốc gia kết ước (như Việt Nam) có nghĩa vụ phải ban hành các đạo luật bổ túc hay tu chính hiến pháp cho phù hợp với tinh thần và bản văn các điều khoản nhân quyền của Công Ước để các quyền này được thực sự thi hành. Trong trường hợp quốc gia kết ước không quy định những quyền này trong hiến pháp hay luật pháp quốc gia, thì những điều khoản về nhân quyền và về những quyền tự do cơ bản của người dân ghi trong Công Ước Dân Sự Chính Trị (như quyền tự do tư tưởng) vẫn có hiệu lực chấp hành và phải được áp dụng trước các tòa án quốc gia và quốc tế.

Quyền tự do tư tưởng được thừa nhận trong Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền (Ðiều 18) và trong Công Ước Dân Sự Chính Trị (Ðiều 18). Mặc dầu vậy, Ðiều 4 Hiến Pháp đã dành cho Ðảng CS độc quyền tư tưởng buộc toàn dân phải theo chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh (nếu quả thật có loại tư tưởng này). Như vậy Ðiều 4 Hiến Pháp đi trái với Luật Quốc Tế Nhân Quyền, đặc biệt là Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền và Công Ước Dân Sự Chính Trị.

Về mặt quốc tế công pháp, các Công Ước Quốc Tế như Hiến Chương Liên Hiệp Quốc và Công Ước Dân Sự Chính Trị là những hiệp ước quốc tế đã được chính phủ ký kết và quốc hội phê chuẩn, nên có hiệu lực pháp lý cao hơn luật pháp và hiến pháp quốc gia.

Năm 1945, 50 Quốc Gia Ðồng Minh họp Hội Nghị San Francisco để thành lập Liên Hiệp Quốc và công bố Hiến Chương Liên Hiệp Quốc nhằm bảo vệ hòa bình cho các quốc gia và đề xướng nhân quyền cho tất cả mọi người.

Chiếu Ðiều 56 Hiến Chương, các quốc gia hội viên cam kết cộng tác với Liên Hiệp Quốc để thực hiện mục tiêu bảo vệ nhân quyền trên toàn cầu. Qua Hiến Chương Liên Hiệp Quốc, nhân quyền không còn là một vấn đề quốc nội mà đã được quốc tế hóa. Do đó các quốc gia hội viên Liên Hiệp Quốc không thể chủ trương rằng việc họ thủ tiêu hay đàn áp các công dân của họ chỉ là vấn đề nội bộ.

Chiếu nguyên tắc Dân Tộc Tự Quyết, chủ quyền quốc gia thuộc về toàn dân. Do đó nhân quyền không phải là quyền của nhà nước, mà là quyền của người dân mà nhà nước có nghĩa vụ phải tôn trọng. Vi phạm nhân quyền và những quyền tự do cơ bản của người dân, nhà nước có thể bị khiếu nại và phải trả lời trước Hội Ðồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc.

Năm 1993, Ðại Hội Nhân Quyền Vienna ra Tuyên Cáo nhắc nhở các quốc gia đã ký kết tham gia các Công Ước Quốc Tế Nhân Quyền, như Công Ước Dân Sự Chính Trị, phải tôn trọng chữ ký, lời cam kết và danh dự của mình: "Các quốc gia vi phạm Luật Quốc Tế Nhân Quyền phải chịu trách nhiệm quốc tế về những hành động vi phạm của họ".

Do đó trên bậc thang giá trị, Hiến Chương Liên Hiệp Quốc và Công Ước Dân Sự Chính Trị đứng trên và đứng trước luật pháp và hiến pháp quốc gia. Trong trường hợp có sự mâu thuẫn giữa luật pháp quốc gia và Công Ước Quốc Tế thì tòa án phải tham chiếu và áp dụng những điều khoản nhân quyền của Công Ước Quốc Tế.

Tại Việt Nam ngày nay, mâu thuẫn lớn nhất giữa luật pháp quốc gia và Công Ước Quốc Tế phát sinh từ Ðiều 4 Hiến Pháp.

Khi quy định sự độc quyền tư tưởng và độc quyền lãnh đạo của Ðảng Cộng Sản, Ðiều 4 Hiến Pháp đi trái với quyền Dân Tộc Tự Quyết là quyền được ghi trong Hiến Chương Liên Hiệp Quốc (các Ðiều 1 và 55), Phụ Ðính Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền (Phần Mở Ðầu), Công Ước Dân Sự Chính Trị và Công Ước Kinh Tế Xã Hội Văn Hóa (các Ðiều 1).

Về mặt quốc nội, Dân Tộc Tự Quyết là quyền của người dân được tự do lựa chọn chế độ hay chính thể của Quốc Gia (như quân chủ lập hiến, cộng hòa dân chủ, dân chủ xã hội hay xã hội chủ nghĩa), và được quyền tự do tuyển cử để trực tiếp tham gia chính quyền, hay bầu lên các đại biểu của mình trong chính quyền để thực thi chế độ đó.

Ngoài quyền Dân Tộc Tự Quyết, Ðiều 4 Hiến Pháp còn đi trái Công Ước Dân Sự Chính Trị nơi Ðiều 18 (quyền tự do tư tưởng), Ðiều 19 (tự do phát biểu), các Ðiều 21, 22 (tự do hội họp, lập hội và lập đảng), Ðiều 25 (quyền bình đẳng cơ hội tham gia chính quyền) v...v...

Cũng như Ðiều 2 Hiến Pháp 1992 hiện hành, Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền khẳng định rằng chủ quyền quốc gia thuộc về Nhân Dân chứ không thuộc về Nhà Nước: "Ý nguyện của người dân là căn bản của quyền lực nhà nước" (Ðiều 21).

Hơn nữa, chiếu Ðiều 5 Công Ước Dân Sự Chính Trị, Tòa Án (Tối Cao Pháp Viện) không được giải thích xuyên tạc luật pháp quốc gia hay công ước quốc tế để cho phép chính phủ hay tòa án làm những hành vi, hay tuyên những bản án, nhằm phủ nhận hay tước đoạt của người dân những quyền tự do cơ bản đã được luật pháp quốc gia và công ước quốc tế thừa nhận. Ðặc biệt là quyền đối kháng bạo quyền.

Phần Mở Ðầu Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền mặc nhiên thừa nhận quyền đối kháng bạo quyền: "Ðiều cốt yếu là nhân quyền phải được một chế độ dân chủ pháp trị bảo vệ để con người khỏi bị dồn vào thế cùng phải đứng lên đối kháng chống áp bức và bạo quyền".

Theo Tuyên Ngôn Nhân Quyền và Dân Quyền Pháp (1789): "sự phủ nhận, khinh miệt hay lãng quên nhân quyền là nguyên nhân duy nhất đem lại đại bất hạnh cho người dân và sa đọa cho chính quyền. Mục đích của mọi tập hợp chính trị trong xã hội là để bảo vệ những quyền tự nhiên và bất khả chuyển nhượng của con người, như quyền tự do, quyền tư hữu, quyền an ninh và quyền đối kháng bạo quyền."

Theo Tuyên Ngôn Ðộc Lập Hoa Kỳ (1776): "mọi người sinh ra bình đẳng, đó là một chân lý hiển nhiên. Nhân quyền là những quyền bẩm sinh bất khả chuyển nhượng do Tạo Hóa ban cho con người, như quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc. Nếu chính quyền ngoan cố tước đoạt tự do nhân quyền để siết chặt guồng máy thống trị bạo tàn bằng chế độ chuyên chính tuyệt đối, người dân có quyền và có nghĩa vụ đứng lên đối kháng lật đổ chính quyền để giành lại những bảo đảm cho cuộc sống tương lai. Khi chính quyền biểu lộ tính chuyên chế của một bạo quyền, nó không còn xứng đáng lãnh đạo một dân tộc tự do."

Vì con người không phải là á thánh nên xã hội cần phải có chính quyền. Và vì nhà cầm quyền cũng không phải là á thánh nên luật pháp phải dành cho người dân quyền kiểm soát, đối kháng, chế tài và thay thế chính quyền. Nếu không có tự do tư tưởng, tự do thông tin, tự do phát biểu, phê bình và chỉ trích thì không thể có dân chủ. Nếu người dân không được tự do lập đảng, tự do bầu cử và ứng cử để tham gia chính quyền và thay thế chính quyền, thì đảng cầm quyền sẽ hủ hóa thành độc tài, tham nhũng, bất công và bất lực. Ðó là một quy luật về Chính Thống Dân Chủ.

Vì đi trái Luật Quốc Tế Nhân Quyền, Ðiều 4 Hiến Pháp phải bị hủy bỏ.

 

Ðiều 4 Hiến Pháp phản lại Hiến Pháp

Theo chính sách dân chủ hình thức, Nhà Nước CHXHCNVN đã ghi trong Hiến Pháp hầu hết các nhân quyền và các quyền tự do cơ bản của người dân, như quyền tự do tôn giáo (Ðiều 70), quyền bình đẳng trước pháp luật (Ðiều 52), quyền tham gia chính quyền (Ðiều 53), quyền tự do bầu cử và ứng cử (Ðiều 54), quyền tự do đi lại và cư trú (Ðiều 68), quyền tự do phát biểu, tự do ngôn luận, tự do báo chí, quyền thông tin, quyền tự do hội họp, tự do lập hội, quyền biểu tình (Ðiều 69), quyền được suy đoán là vô tội (Ðiều 72), quyền khiếu nại, khiếu kiện các cơ quan chính phủ khi có sự lạm quyền phi pháp (Ðiều 74) v...v...

Khi quy định sự độc quyền tư tưởng và độc quyền lãnh đạo của Ðảng CS, Ðiều 4 Hiến Pháp đã phản lại Hiến Pháp vì đi trái với các điều khoản hiến pháp cơ bản như các Ðiều 2, 3, 6, 8, 11, 50, 52, 53, 54, 68, 69.

Thật vậy:

Theo Ðiều 2 Hiến Pháp "Nhà Nước thuộc về nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân", chứ không thuộc về Ðảng CS. Ðiều 21 Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền cũng quy định như vậy: "Ý nguyện của người dân là căn bản của quyền lực nhà nước" (The will of the people shall be the basis of the authority of government).

Hiện nay số đảng viên CS chỉ chiếm từ 2% đến 3% dân số Việt Nam. Và khối đông đảo trên 97% nhân dân không được quyền tham gia vào guồng máy lãnh đạo quốc gia. Ðó là một điều bất công, phi lý và phi pháp.

Theo Ðiều 3 Hiến Pháp: "Nhà Nước bảo đảm quyền làm chủ về mọi mặt của nhân dân, và nghiêm trị mọi hành động xâm phạm những quyền và lợi ích của nhân dân" (dầu rằng kẻ xâm phạm chính lại là Ðảng CS).

Theo Ðiều 6 Hiến Pháp: "nhân dân sử dụng quyền lực Nhà Nước thông qua Quốc Hội là cơ quan đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân, do nhân dân bầu ra và chịu trách nhiệm trước nhân dân". Do đó Quốc Hội không thể là sản phẩm và công cụ của Ðảng CS. Trên thực tế, Ðảng CS đã dựng lên các quốc hội tiền chế trong chính sách "Ðảng cử dân bầu". Quốc Hội đã chép Ðiều 4 Hiến Pháp nguyên văn từ Ðiều 6 Hiến Pháp Liên Xô để dành độc quyền lãnh đạo cho Ðảng CS. Ðó không phải là ý chí và nguyện vọng của nhân dân Việt Nam.

Hơn nữa quốc hội của nhân dân phải sinh hoạt theo nguyên tắc dân chủ pháp trị, chứ không theo nguyên tắc "dân chủ tập trung" phản dân chủ.

Theo Ðiều 8 Hiến Pháp "các cơ quan nhà nước, cán bộ viên chức nhà nước phải tôn trọng nhân dân, tận tụy phục vụ nhân dân, liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến và chịu sự giám sát của nhân dân... [không được] quan liêu, hách dịch, cửa quyền, tham nhũng". Ðây chỉ là những mỹ từ để du mị nhân dân, nói vậy mà không phải vậy.

Theo Ðiều 11 Hiến Pháp "công dân thực hiện quyền làm chủ của mình bằng cách tham gia công việc của Nhà Nước". Muốn thế phải thiết lập chế độ dân chủ pháp trị để Dân được quyền làm chủ Nhà Nước, và bãi bỏ chế độ độc tài đảng trị, bãi bỏ Ðiều 4 Hiến Pháp theo đó Ðảng độc quyền lãnh đạo Nhà Nước và xã hội.

Theo Ðiều 50 Hiến Pháp: "ở nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, các quyền con người về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa và xã hội được tôn trọng, thể hiện ở các quyền công dân đã được quy định trong Hiến Pháp và luật". Vậy mà trên thực tế tất cả 26 nhân quyền và những quyền tự do cơ bản của người dân đã bị Ðảng CS tước đoạt bằng Ðiều 4 Hiến Pháp, cũng như bằng các đạo luật áp dụng vi hiến của quốc hội và sự giải thích luật pháp xuyên tạc của tòa án.

Theo Ðiều 52 Hiến Pháp: "mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật." Do đó Nhà Nước không được phân biệt kỳ thị về lập trường và chính kiến giữa các đảng đối lập và đảng cầm quyền, cũng như không được coi những người ngoài Ðảng là công dân hạng nhì, không có quyền tự do lập đảng, tự do tuyển cử và quyền tham gia chính quyền.

Theo Ðiều 53 Hiến Pháp "công dân có quyền tham gia quản lý Nhà Nước" bằng cách hành sử quyền tự do lập đảng, tự do tuyển cử, quyền bình đẳng cơ hội tham gia chính quyền và quyền kiến nghị khiếu nại và khiếu kiện là những hình thức của quyền Dân Tộc Tự Quyết. Trong khi đó Ðiều 4 dành cho Ðảng CS quyền độc chiếm bộ máy Nhà Nước.

Theo Ðiều 54 Hiến Pháp: "công dân được quyền bầu cử và ứng cử vào Quốc Hội". Do đó Ðảng CS không được tước đoạt quyền tự do tuyển cử của công dân do chính sách "Ðảng cử dân bầu".

Theo Ðiều 68 Hiến Pháp: "công dân có quyền tự do đi lại và tự do cư trú ở trong nước, có quyền ra nước ngoài và từ nước ngoài về nước". Quyền này được mệnh danh là Quyền An Cư dự liệu nơi Ðiều 12 Công Ước Dân Sự Chính Trị. Tháng 8-1997, Ủy ban Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc công bố Nghị Quyết tố cáo Bắc Triều Tiên vi phạm quyền tự do cư trú và đi lại, quyền tự do xuất ngoại và hồi hương của người dân. Phẫn chí, Bình Nhưỡng rút ra khỏi Công Ước Dân Sự Chính Trị, đồng thời rút ra khỏi cộng đồng nhân loại văn minh. Tại Việt Nam, chính sách quản thúc tại gia đã vi phạm thô bạo Quyền An Cư của người dân.

Theo Ðiều 69 Hiến Pháp: "công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, quyền thông tin, quyền biểu tình, tự do hội họp và lập hội", lập hội dân sự như công đoàn độc lập và hội chính trị như các chính đảng đối lập.

Vì Nhà Nước thuộc về nhân dân, nên chỉ nhân dân mới có tư cách và thẩm quyền lãnh đạo và quản lý Nhà Nước, Ðảng CS không thể tự ban cho mình quyền này bằng cách vận dụng các thủ thuật trí trá để bầu lên một quốc hội tiền chế, rồi ra chỉ thị cho cơ quan này ghi Ðiều 4 vào Hiến Pháp.

Tựu chung, khi dành độc quyền lãnh đạo Nhà Nước cho Ðảng CS, Ðiều 4 đã tước đoạt của nhân dân tất cả 26 Nhân Quyền và những quyền tự do cơ bản, như tự do thân thể, tự do tinh thần, tự do chính trị kể cả những quyền dân sự, kinh tế xã hội và văn hóa giáo dục.

Vì những lý do nêu trên, Ðiều 4 phải bị hủy bỏ. Nó vi phạm thô bạo Luật Quốc Tế Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc, đồng thời vi phạm thô bạo Hiến Pháp nơi các Ðiều 2, 3, 6, 8, 11, 50, 52, 53, 54, 68 và 69.

Chiếu nguyên tắc Chính Thống Pháp Lý áp dụng trong công tác thảo hiến, các nhà lập hiến thường quy định trong Chương I những cương lĩnh hiến pháp cơ bản được coi là chủ yếu và có tầm quan trọng theo thứ tự ưu tiên.

Ðiều 1 Hiến Pháp

Quan trọng nhất là Ðiều 1 Hiến Pháp nói về Nước.

Ðiều 1 Hiến Pháp Việt Nam Cộng Hòa 1967 viết: "Việt Nam là một Nước Cộng Hòa, độc lập, thống nhất, lãnh thổ bất khả phân. Chủ quyền quốc gia thuộc về toàn dân".

Ðiều 1 Hiến Pháp Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa 1946 viết: "Nước Việt Nam là một nước Dân Chủ Cộng Hòa, tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam".

Ðiều 1 Hiến Pháp Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam 1992 xác nhận: "Nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam là một nước độc lập, có chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ".

Như vậy đối tượng của Ðiều 1 Hiến Pháp là xác định chính thể hay chế độ chính trị của Nước, và quyền của Dân được làm chủ quốc gia, làm chủ nhà nước chiếu Nguyên Tắc Dân Tộc Tự Quyết.

Sửa Ðổi Ðiều I Hiến Pháp

Chiếu Ðiều 107 Hiến Pháp VNCH 1967: "không thể hủy bỏ hoặc tu chính Ðiều 1 và điều này của Hiến Pháp".

Chiếu Ðiều 70 Hiến Pháp VNDCCH 1946: "sự sửa đổi Hiến Pháp phải theo cách thức sau đây:

Do 2/3 tổng số nghị viên (đại biểu) yêu cầu.

Nghị Viện (Quốc Hội) bầu ra một ban dự thảo những điều thay đổi

Những điều thay đổi đã được Nghị Viện ưng chuẩn thì phải đưa ra toàn dân phúc quyết" [trong một cuộc Trưng Cầu Dân Ý].

Ðiều đáng lưu ý là, với Ðiều 1 Hiến Pháp CHXHCNVN 1992 hiện hành, Quốc Hội đã sửa đổi chính thể hay chế độ của Nước Việt Nam, từ Dân Chủ Cộng Hòa (theo Hiến Pháp 1946) thành Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa. Sự thay đổi này không được quốc dân phê chuẩn bằng một phúc quyết trong một cuộc Trưng Cầu Dân Ý.

Chiếu Ðiều 70 Hiến Pháp VNDCCH 1946, sự sửa đổi Ðiều 1 Hiến Pháp 1946 hiển nhiên vi hiến. Vì nó vi phạm hình thức hay thủ tục sửa đổi Hiến Pháp. Theo một nguyên tắc về Chính Thống Pháp Lý "Hình Thức hay Thủ Tục là chị em song sinh của Tự Do" (The Form or Procedure is a twin-sister of the Liberty). Do đó nó không có giá trị và hiệu lực pháp lý.     

Cũng nên nhắc lại rằng Hiến Pháp VNCH 1967 không cho phép sửa đổi Ðiều 1 Hiến Pháp nói về chính thể hay chế độ Cộng Hòa của Việt Nam.

Nếu Ðiều 1 Hiến Pháp 1992 hiện hành đã vi phạm Ðiều 70 Hiến Pháp 1946 nguyên thủy, thì cái đuôi của nó là Ðiều 4 cũng vô giá trị và vô hiệu lực.

Sửa Ðổi Toàn Bộ hay Hủy Bỏ Hiến Pháp 1946

Ngoài ra, Ðiều 70 Hiến Pháp VNDCCH 1946 chỉ cho phép các Quốc Hội Lập Pháp kế tiếp tu chính từng điều khoản hiến pháp mà không được sửa đổi toàn bộ hay hủy bỏ Hiến Pháp. Các nhà lập hiến quan niệm rằng chế độ Cộng Hòa Dân Chủ phù hợp với nguyện vọng và quyền lợi của Nhân Dân. Do đó các Quốc Hội kế tiếp không được quyền sửa đổi toàn thể 70 Ðiều trong Hiến Pháp, nghĩa là không được hủy bỏ toàn bộ Hiến Pháp 1946 nếu không có sự phê chuẩn hay phúc quyết của Nhân Dân.

Trên thực tế, từ nửa thế kỷ nay, thủ tục sửa đổi hiến pháp quy định bởi Quốc Hội Lập Hiến 1946 đã không được các quốc hội lập pháp kế tiếp tuân hành. Do đó muốn "sống theo pháp luật", quốc dân có quyền khẳng định rằng, những Hiến Pháp kế tiếp, từ Hiến Pháp 1959 đến Hiến Pháp 1980 và Hiến Pháp 1992 hiện hành, tất cả đều vô giá trị và vô hiệu lực. Vì Hiến Pháp 1946 không dự liệu sự hủy bỏ hay sửa đổi toàn bộ Hiến Pháp, và đặc biệt là không có sự duyệt y hay phúc quyết của Quốc Dân truyền hủy bỏ Hiến Pháp 1946 trong một cuộc Trưng Cầu Dân Ý.

Muốn thượng tôn luật pháp, Nhà Nước đương quyền phải tổ chức cuộc Trưng Cầu Dân Ý dưới sự giám sát của Liên Hiệp Quốc để xem quốc dân có phúc quyết phê chuẩn việc hủy bỏ toàn bộ Hiến Pháp 1946 hay không? Nếu Quốc Dân nói "không" thì Hiến Pháp 1946 phải được phục sinh. Từ 220 năm nay, Hiến Pháp Hoa Kỳ 1787 chỉ được tu chính, chứ không bị hủy bỏ.

Ðó là nói về tầm quan trọng của Ðiều 1 Hiến Pháp.

Ðiều 2 Hiến Pháp

Ðiều 2 Hiến Pháp VNCH 1967 công nhận và bảo đảm những quyền tự do căn bản của người dân trong tinh thần bình đẳng và tương trợ, đồng thời nêu ra những nghĩa vụ của người dân trong việc phục vụ quốc gia. Những quyền lợi và nghĩa vụ của công dân được khai triển trong Chương II gồm 24 điều (từ Ðiều 6 đến Ðiều 29).

Ðiều 2 Hiến Pháp CHXHCNVN 1992 cũng công nhận dân là chủ nhà nước, được nắm giữ mọi quyền lực nhà nước. Và nhà nước là "của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân" (ngôn từ của Tổng Thống Hoa Kỳ Abraham Lincoln là người đã thực thi chính sách giải phóng nô lệ hồi giữa Thế Kỷ 19).

Như vậy đối tượng của Ðiều 2 Hiến Pháp là đề xướng một quy luật về Chính Thống Dân Chủ theo đó Chủ Quyền Quốc Gia hay quyền lực Nhà Nước thuộc về Nhân Dân. Quy luật này được xác nhận trong Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc: "Ý nguyện của nhân dân phải được coi là căn bản của quyền lực nhà nước" (Ðiều 21).

Ðiều 3 Hiến Pháp

Ðiều 3 Hiến Pháp VNCH 1967 quy định chế độ Tam Quyền Phân Lập giữa lập pháp, hành pháp và tư pháp, để phân công phân quyền, hợp tác đồng thời giám sát lẫn nhau. Sự phân quyền hiến chế nhằm điều hòa phối hợp để thực thi chính sách quốc gia chống độc tài, tham nhũng, bất công, phạm pháp và lạm quyền, đem lại thịnh vượng chung, xây dựng Tự Do Dân Chủ và Công Bằng Xã Hội. Ba quyền hiến chế nói trên tạo nên thế quân bình chân vạc của Nhà Nước Dân Chủ Pháp Trị.

Ðiều 3 Hiến Pháp CHXHCNVN 1992 cũng quy định nghĩa vụ của Nhà Nước trong việc phát huy quyền làm chủ của nhân dân, bảo vệ lợi ích của nhân dân nhằm xây dựng một nước giàu mạnh ấm no, tự do hạnh phúc, với kinh tế phát triển và công bằng xã hội.

Như vậy, khi nói về nhiệm vụ của Nhà Nước, các Ðiều 2 và 3 của các Hiến Pháp nói trên xác nhận quyền làm chủ nhà nước của Nhân Dân.         Tổng kết lại, 3 điều đầu tiên của Hiến Pháp VNCH 1967 và Hiến Pháp CHXHCNVN 1992 là 3 điều khoản hiến chế cơ bản hay 3 Cương Lĩnh Hiến Pháp để nói về:

1). Nước hay Quốc Gia. (State)

2). Dân hay Nhân Dân (People)

3). Nhà Nước hay Chính Quyền (Government) theo tầm quan trọng và thứ tự ưu tiên.

- Ðiều 1 nói về Nước hay Quốc Gia là cương lĩnh hiến pháp quan trọng số 1 quy định chính thể hay chế độ. Hiến Pháp VNCH 1967 không cho phép sửa đổi hay hủy bỏ Ðiều 1.

- Ðiều 1 Khoản 2 Hiến Pháp VNCH 1967 xác nhận "Chủ quyền Quốc Gia thuộc về toàn dân".

Bổ túc vào đó là Ðiều 2 và Ðiều 3 xác nhận Dân có những quyền tự do cơ bản được Quốc Gia công nhận. Và Quốc Gia được tổ chức theo chế độ Dân Chủ Pháp Trị để bảo đảm Tự Do Dân Chủ và Công Bằng Xã Hội cho người dân.

- Các Ðiều 2 và 3 Hiến Pháp CHXHCNVN 1992 hiện hành cũng xác định "tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân Dân", và "nhà nước bảo đảm và không ngừng phát huy quyền làm chủ về mọi mặt của Nhân Dân".

Như vậy, sau Nước hay Quốc Gia (Ðiều 1), Dân hay Nhân Dân (các Ðiều 2 và 3) giữ vai trò trọng yếu thứ 2, đứng trên Nhà Nước hay Chính Quyền.

Ðó cũng là Học Thuyết Dân Quyền của Mạnh Tử: "Lấy Dân làm trọng, Nhà Nước là thứ yếu và coi nhẹ Chính Quyền": Dân Vi Quý, Xã Tắc Thứ Chi, Quân Vi Khinh. Vì có Dân mới có Nước, có Nước mới có Vua (quân quyền hay chính quyền). Do đó Dân quý nhất đứng trên cả Nhà Nước hay Chính Quyền và các Chính Ðảng.

Ðiều 4 Hiến Pháp

Ðiều 4 Hiến Pháp 1992 hiện hành nói về Ðảng là một tổ chức quần chúng sinh hoạt trong xã hội xuất phát từ Nhân Dân, nên không thể xếp hạng cao hơn Dân.

Tựu chung, trong Hiến Pháp 1992, các Ðiều 2 và 3 nói về Dân có tầm quan trọng hơn Ðiều 4 nói về Ðảng. Vậy mà Ðiều 4 đã vượt quyền, mâu thuẫn và đi trái với các Ðiều 2 và 3 khi dành cho Ðảng CS độc quyền tư tưởng và độc quyền lãnh đạo Nhà Nước và xã hội.

Như đã trình bày, hiện nay số đảng viên CS chỉ chiếm được từ 2% đến 3% dân số Việt Nam. Và khối đông đảo trên 97% nhân dân không được quyền tham gia vào guồng máy lãnh đạo quốc gia. Ðó là một điều bất công, phi lý và phi pháp.

Như vậy về pháp lý, chính trị và xã hội, Dân phải được xếp hạng ưu tiên cao hơn Ðảng. Và quyền lực Nhà Nước phải thuộc về Dân chứ không thể thuộc về Ðảng. Ðiều 4 Hiến Pháp phải bị hủy bỏ vì đi trái Chính Thống Pháp Lý về hệ thống quyền lực quốc gia, cũng như đi trái Chính Thống Dân Chủ lấy Dân làm trọng, Nhà Nước, Chính Quyền và Chính Ðảng là thứ yếu.

Ngoài việc vi phạm các Ðiều 2 và 3 Hiến Pháp, Ðiều 4 còn đi trái với tinh thần và bản văn của Ðiều 6, Ðiều 8, và Ðiều 11 Hiến Pháp. Những điều này được soạn thảo để khai triển quyền của Nhân Dân được làm chủ Nhà Nước, làm chủ xã hội trong đó có các hội đoàn dân sự như công đoàn và các hội đoàn chính trị như chính đảng. Nếu Dân đã làm chủ Nhà Nước và xã hội thì Ðảng không thể độc đoán tước đoạt quyền làm chủ nhà nước vốn thuộc về quyền lực của Dân. Tước đoạt quyền này là phản Dân. Mà phản Dân là hại Nước.

Ðiều 4 Hiến Pháp phải bị hủy bỏ vì những lý do pháp lý và chính trị nêu trên. Ngoài ra nó còn đi trái Nhân Tâm, Văn Hóa và Ðạo Lý.

 

Ðiều 4 Hiến Pháp còn đi trái lòng dân

Ðiều 4 đã đem đến cho quốc dân những chế độ phản dân tộc, phản nhân loại theo Chủ Nghĩa Xã Hội Mác-Lênin, như chuyên chính vô sản, chuyên chính tư tưởng, độc quyền ý thức hệ và độc quyền lãnh đạo nhà nước của một chính đảng một mình một chợ là Ðảng CS.

Ðó là nhận định chung của đồng bào các giới trong và ngoài nước. Trong cuốn Nhật Ký Rồng Rắn, Tướng Trần Ðộ đã trình bày những nhận xét và suy tư của một người sống trong lòng chế độ, có lòng với đất nước, đã từng gia nhập Quân Ðội Nhân Dân từ thời niên thiếu, và đã giữ những chức vụ quan trọng trong Ðảng Cộng Sản như Phó Chính Ủy Quân Giải Phóng Miền Nam, Phó Chủ Tịch Quốc Hội, Trưởng Ban Văn Hóa Văn Nghệ Trung Ương. Cuốn sách này được coi là một tập di chúc chính trị để nhận định tình hình suy thoái hiện nay, đồng thời đưa ra những chủ trương dân chủ hóa đất nước và phát triển kinh tế xã hội.

Về mặt chính trị và luật pháp, Tướng Trần Ðộ có những nhận xét như sau:

Trong thế giới hiện nay có hơn 100 nước đã phát triển và đạt tới trình độ văn minh cao. Vậy mà họ không cần đến chủ nghĩa Mác-Lênin, chủ nghĩa xã hội với vô sản chuyên chính, độc quyền tư tưởng và độc quyền lãnh đạo của Ðảng Cộng Sản.

Bây giờ chỉ còn lại 4 nước nói là theo Xã Hội Chủ Nghĩa. Tuy nhiên Trung Quốc đã mặc nhiên giã từ chủ nghĩa Mác-Lênin và theo chủ nghĩa thực dụng "có màu sắc Trung Quốc" [được chứng nghiệm từ thời Ðặng Tiểu Bình: "Mèo đen, mèo trắng, mèo nào cũng tốt, miễn là bắt được chuột"].

Bắc Triều Tiên cũng buộc phải mở cửa và hòa hợp với Nam Triều Tiên để thoát khỏi cảnh nghèo đói, lạc hậu.

Có người nói Cách Mạng XHCN ở Nga thành công năm 1917 là sự kiện quan trọng nhất của thế kỷ 20. Vậy thì sự sụp đổ của cái quan trọng ấy lại là "siêu quan trọng".

Ba mục tiêu chiến lược rút ra từ Chủ Nghĩa Tam Dân của Tôn Dật Tiên là dân tộc độc lập, dân quyền tự do và dân sinh hạnh phúc. Từ Cách Mạng Tháng 8 đến nay đã hơn 60 năm mà các mục tiêu Tự Do Hạnh Phúc vẫn chưa đạt được. Trong khi đó, tại một số quốc gia Ðông Nam Á như Ðài Loan, Ðại Hàn, Thái Lan, Mã Lai hay Tân Gia Ba, mặc dầu không theo xã hội chủ nghĩa và cũng không có đảng cộng sản lãnh đạo, các nước này trước kia cũng nghèo khổ, vậy mà chỉ khoảng 20, 30 năm, họ đã trở thành những nước phát triển về kinh tế.

Trong khi đó, tại Việt Nam, hàng chục ngàn gia đình dân oan tại nông thôn đã vùng lên đòi Quyền Sống, vì bị Ðảng CS tước đoạt ruộng đất nói là để phát triển công kỹ nghệ. Ngoài ra còn có hàng trăm ngàn gia đình của các chiến binh trong Quân Ðội Nhân Dân cũng như các cựu chiến binh sinh sống về ngư nghiệp tại miền duyên hải cách mạng Thanh Nghệ Tĩnh Bình đã bị Ðảng CS phản bội bằng cách bán nước Biển Ðông cho kẻ thù truyền kiếp của dân tộc nhằm duy trì cái ghế chính quyền lung lay của họ.

           

Ðộc lập thống nhất

Về mục tiêu giải phóng dân tộc để giành lại độc lập và thống nhất cho quốc gia, tác giả cuốn Nhật Ký Rồng Rắn nhận định rằng nhiều quốc gia đã giành được chủ quyền độc lập mà không cần đến chiến tranh bạo động võ trang.

[Về điểm này chúng ta cần Phục Hồi Sự Thật Lịch Sử để minh chứng rằng, cũng như tại 13 nước Á Châu khác, các nhà Cách Mạng Quốc Gia Việt Nam theo Chủ Nghĩa Dân Tộc, bằng đường lối đấu tranh bất bạo động với hợp tác và thương nghị, đã thành công trong việc thu hồi chủ quyền độc lập và thống nhất quốc gia 4 năm sau Thế Chiến II.

Sau Thế Chiến I, năm 1919, Tổng Thống Hoa Kỳ Woodrow Wilson đề xướng quyền Dân Tộc Tự Quyết tại Hội Quốc Liên - tổ chức tiền thân của Liên Hiệp Quốc - để khuyến cáo các Ðế Quốc Tây Phương từng bước trả tự trị và độc lập cho các thuộc địa Á Phi. Thuận theo khuyến cáo này, năm 1919 Anh Quốc trả độc lập cho Canada tại Bắc Mỹ và A Phú Hãn tại Nam Á.

Năm 1941, khi Thế Chiến II còn đang tiếp diễn, các Quốc Gia Ðồng Minh Mỹ, Anh, Pháp họp Hội Nghị New Foundland (Canada) để ký Hiến Chương Ðại Tây Dương và cam kết sẽ trả độc lập cho các thuộc địa khi chiến tranh kết thúc.

Qua năm sau, tại Hoa Kỳ, các Ðồng Minh Tây Phương công bố Tuyên Ngôn Liên Hiệp Quốc để xác nhận lại lời cam kết sẽ thực thi quyền Dân Tộc Tự Quyết của các nước bảo hộ, giám hộ và thuộc địa tại Á Phi.

Mùa Xuân 1945, khi Chiến Tranh Thái Bình Dương đến hồi kết cuộc, 50 Quốc Gia Ðồng Minh họp Hội Nghị San Francisco để thành lập Liên Hiệp Quốc và ban hành Hiến Chương Liên Hiệp Quốc nhằm bảo vệ hòa bình cho các quốc gia, đồng thời đề xướng tự do nhân quyền cho tất cả mọi người, đặc biệt là Quyền Dân Tộc Tự Quyết.

Trung thành với những điều cam kết minh thị và trang trọng trong Hiến Chương Ðại Tây Dương (1941), Tuyên Ngôn Liên Hiệp Quốc (1942) và Hiến Chương Liên Hiệp Quốc (1945), qua năm sau, và chỉ trong vòng 3 năm, từ 1946 đến 1949, tất cả các Ðế Quốc Tây Phương như Mỹ, Anh, Pháp, Hà Lan đã lần lượt tự giải thể để trả độc lập cho 12 nước thuộc địa, bảo hộ và giám hộ tại Á Châu:

1. Ðộc lập năm 1946: Syria và Lebanon (thuộc Pháp); và Phi Luật Tân (thuộc Hoa Kỳ).

Ðộc lập năm 1947: Ấn Ðộ và Ðại Hồi (thuộc Anh).

Ðộc lập năm 1948: Miến Ðiện, Tích Lan và Palestine (thuộc Anh).

Ðộc lập năm 1949: Việt Nam, Cao Miên và Ai Lao (thuộc Pháp); và Nam Dương (thuộc Hà Lan).

(Hai nước trong Liên Bang Mã Lai Á là Mã Lai và Tân Gia Ba chỉ được trao trả tự trị năm 1952 và độc lập năm 1957, sau khi Quân Ðội Hoàng Gia Anh dẹp tan phe phiến loạn Cộng Sản theo Mao Trạch Ðông đã lập chiến khu và chiến đấu võ trang từ 1948).

Bằng đường lối đấu tranh công khai, ôn hòa, hợp pháp, không bạo động và không vọng ngoại (nhất là không liên kết với Quốc Tế Cộng Sản), các nhà Cách Mạng Quốc Gia theo Chủ Nghĩa Dân Tộc tại Á Châu đã giành được chủ quyền độc lập cho quốc gia từ 1 đến 4 năm sau Thế Chiến II. Với chính sách hợp tác và thương nghị, các chính đảng quốc gia tại 14 nước Á Châu đã hoàn thành Cách Mạng Giải Phóng Dân Tộc mà không hao tổn máu xương. Ðó là sách lược vận dụng thời cơ theo trào lưu tiến hóa của lịch sử. Ðiển hình là cuộc Giải Phóng Ấn Ðộ.

Tháng 5-1945, Ðức Quốc Xã đầu hàng Ðồng Minh. Tháng 7-1945, Anh Quốc tổ chức tổng tuyển cử. Thủ Tướng Winston Churchill, người anh hùng dân tộc, chủ trương duy trì thuộc địa để lấy lại vinh quang cho đất nước.

Tới Thế Chiến II, Anh Quốc đã thiết lập một đế quốc lớn nhất từ cổ chí kim, với lãnh thổ chạy dài khắp năm châu, và người dân Anh thường tự hào nói: "mặt trời không bao giờ lặn trên Ðế Quốc Anh". Vậy mà chỉ hai tháng sau khi chiến thắng Hitler, người anh hùng dân tộc Winston Churchill đã thất cử. Sau chiến tranh, kinh tế nước Anh kiệt quệ, dân chúng đói khổ, và hàng triệu cựu chiến binh không có công ăn việc làm. Trong điều kiện kinh tế xã hội suy sụp đó, Ðảng Lao Ðộng Anh đưa ra chương trình tuyển cử nhằm phát triển kinh tế, cải tiến dân sinh, giải phóng lao động và giải phóng thuộc địa. Từ đầu Thế Kỷ 20, Ðảng Xã Hội Pháp và Ðảng Lao Ðộng Anh trong Tổ Chức Quốc Tế Xã Hội (Socialist International) đã đề xướng chính sách giải phóng lao động và giải phóng thuộc địa.

Trong cuộc Tổng Tuyển Cử tháng 7-1945, 2/3 cử tri Anh chấp thuận chương trình của Ðảng Lao Ðộng. Ngoài ra, để tôn trọng lời cam kết của Anh Quốc trong Hiến Chương Ðại Tây Dương, Tuyên Ngôn Liên Hiệp Quốc và Hiến Chương Liên Hiệp Quốc, hai năm sau khi đắc cử, tân thủ Tướng Lao Ðộng Clement Attlee đã trả độc lập cho Ấn Ðộ và Ðại Hồi năm 1947, và cho Miến Ðiện, Tích Lan và Palestine năm 1948.

Tại Pháp cũng vậy. Sau Thế Chiến II, Tướng De Gaulle, người anh hùng giải phóng dân tộc, cũng chủ trương duy trì thuộc địa để đem lại vinh quang cho đất nước. Vậy mà chương trình phục quốc của ông đã bị 2/3 cử tri Pháp bác bỏ trong cuộc Trưng Cầu Dân Ý vào cuối năm 1945. Và từ đầu năm 1946, sau khi Thủ Tướng De Gaulle từ chức, Ðảng Xã Hội Pháp với Leon Blum, Marius Moutet và Vincent Auriol đã đi tiền phong trong kế hoạch giải phóng thuộc địa để trao trả độc lập cho Syria và Lebanon từ 1946.

Cũng trong năm này, Lãnh Tụ Xã Hội Marius Moutet, Bộ Trưởng Pháp Quốc Hải Ngoại đã ký với Hồ Chí Minh Thỏa Ước Tạm Thời ngày 4-9-1946 để xúc tiến chương trình giải thể đế quốc bằng đường lối thương nghị ngoại giao. Trước đó, ngày 6-3-1946, Hồ Chí Minh đã ký Hiệp Ước Sơ Bộ Sainteny theo đó Pháp nhìn nhận Việt Nam là một quốc gia tự trị trong Liên Bang Ðông Dương và trong Liên Hiệp Pháp.

Tuy nhiên, để trung thành với đường lối của Quốc Tế Cộng Sản, Hồ Chí Minh đơn phương hủy bãi 2 Hiệp Ước Việt-Pháp để theo giải pháp chiến tranh. Ðối với người cộng sản, ký hiệp ước hòa bình không phải để thi hành hiệp ước, mà chỉ nhằm đạt được những mục tiêu chính trị giai đoạn. Ở đây mục tiêu chính trị là sự thừa nhận trên thực tế Chính Phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa do 2 Hiệp Ước Việt Pháp nói trên. Cũng vì vậy, 3 tháng sau, ngày 19-12-1946, với sự yểm trợ của Quốc Tế Cộng Sản, Hồ Chí Minh phát động chiến tranh võ trang trong suốt 8 năm (từ 1946 đến 1954).

Trong thời gian này tại Âu Châu, sau khi thôn tính và sát nhập 3 nước Baltic là Lithuania, Estonia và Latvia vào Liên Bang Sô Viết, Stalin thiết lập Bức Màn Sắt gồm 7 nước Ðông Âu là Ba Lan, Hung Gia Lợi, Bảo Gia Lợi, Tiệp Khắc, Ðông Ðức, An Ba Ni và Ru Ma Ni. Từ đó Chiến Tranh Lạnh hay Chiến tranh Ý Thức Hệ bộc phát giữa Quốc Tế Cộng Sản và Thế Giới Dân Chủ.

Các nhà lãnh đạo phe Thế Giới Dân Chủ tại Mỹ, Anh, Pháp, nhất quyết không trao Ðông Dương cho Ðảng Cộng Sản Ðông Dương, vì họ không muốn Stalin mở rộng Bức Màn Sắt từ Ðông Âu qua Ðông Á. Tại Việt Nam, Pháp cũng không chịu trả Nam Kỳ cho Hồ Chí Minh vì ông này là cán bộ Quốc Tế Cộng Sản phụ trách miền Ðông Nam Á.

Và kể từ 1947, sau khi Hồ Chí Minh phát động chiến tranh võ trang vi phạm các Hiệp Ước Việt Pháp, các Chính Phủ Pháp do Tổng Thống Xã Hội Vincent Auriol lãnh đạo quyết định sẽ không thương nghị với Hồ Chí Minh nữa. Theo lời Bộ Trưởng Pháp Quốc Hải Ngoại Marius Moutet "từ nay Pháp sẽ không thương nghị với những chính phủ đã ký hiệp ước mà không thi hành hiệp ước".

Và trong vòng hai năm, từ 1947 đến 1949, để giải quyết vấn đề Việt Nam, Pháp đã ký với Quốc Trưởng Bảo Ðại 3 Hiệp Ước để trả lại chủ quyền độc lập cho Quốc Gia Việt Nam: Hiệp Ước Sơ Bộ Vịnh Hạ Long ngày 7-12-1947, Tuyên Cáo Chung Vịnh Hạ Long ngày 5-6-1948 và Hiệp Ðịnh Elysee ngày 8-3-1949 ký kết tại Paris giữa Tổng Thống Vincent Auriol và Quốc Trưởng Bảo Ðại. Ðây là một hiệp ước quốc tế đặc biệt có một không hai trong lịch sử ngoại giao. Vì Hiệp Ðịnh Elysée được chính Tổng Thống Pháp ký, với sự chứng kiến và tham dự của Thủ Tướng, Bộ Trưởng Ngoại Giao, Bộ Trưởng Quốc Phòng và Bộ Trưởng Pháp Quốc Hải Ngoại. Nhân danh Cộng Hòa Pháp, Tổng Thống Vincent Auriol long trọng trao trả chủ quyền độc lập cho Quốc Gia Việt Nam trước quốc dân Việt Nam, trước quốc dân Pháp và trước cộng đồng thế giới.

Cũng nên ghi nhận rằng, trong năm 1947, sau khi ký Hiệp Ước Sơ Bộ Vịnh Hạ Long, Chính Phủ Pháp đã đăng ký Việt Nam là một quốc gia độc lập tại Liên Hiệp Quốc. (Xin coi Everyone's United Nations, ấn bản năm 1986, trang 332). Tưy nhiên Liên Xô đã dùng quyền phủ quyết để bãi bỏ sự đăng ký này.

Về vấn đề thống nhất đất nước, chiếu Nguyên Tắc Dân Tộc Tự Quyết, ngày 23-4-1949, Quốc Hội Nam Kỳ biểu quyết giải tán chế độ Nam Kỳ Tự Trị để sát nhập Nam Phần vào lãnh thổ Quốc Gia Việt Nam độc lập và thống nhất. Ngày 3-6-1949, Quốc Hội Pháp phê chuẩn Hiệp Ðịnh Elysee về khoản trao trả Nam Kỳ cho Quốc Gia Việt Nam. Và ngày 2-2-1950, Quốc Hội Pháp phê chuẩn toàn bộ Hiệp Ðịnh Élysée, chấm dứt chế độ thuộc địa và bảo hộ tại Việt Nam.

Mặc dầu vậy Ðảng Cộng Sản đã phủ nhận nền độc lập này và phá hoại nền thống nhất này. Họ tiếp tục chiến đấu võ trang trong suốt 20 năm, để cướp chính quyền tại Miền Bắc năm 1954 và cướp chính quyền tại Miền Nam năm 1975. Ðây không phải là chiến tranh giải phóng dân tộc mà là chiến tranh ý thức hệ giữa Quốc Tế Cộng Sản và Thế Giới Dân Chủ. Kinh nghiệm dân gian cho biết nơi nào trâu bò húc nhau thì ruồi muỗi chết. Hơn 3 triệu thanh niên nam nữ Việt Nam đã hy sinh thân sống, không phải để giành độc lập cho quốc gia, mà để cho Ðảng Cộng Sản có cơ hội cướp chính quyền.

Căn cứ vào những tài liệu lịch sử khách quan và vô tư, trên bình diện luật học và chính trị học, chúng ta phải kết luận rằng Ðảng Cộng Sản không có công giành độc lập và không có công thống nhất đất nước (Xin coi cuốn Restoring The Historic Truth của người viết).

Vả lại, lịch sử còn cho biết, ngay cả những nhà lãnh đạo có công với đất nước như Winston Churchill và De Gaulle cũng đã rút khỏi chính quyền mấy tháng sau khi hoàn thành nhiệm vụ lịch sử. Những người lãnh đạo Ðảng Cộng Sản hãy đọc lại Lịch Sử để noi gương hai vị anh hùng dân tộc Anh và Pháp. Ðiều đáng lưu ý là, sau một thời gian hưu dưỡng, Tướng De Gaulle lại được quốc dân Pháp tín nhiệm trong chức vụ Tổng Thống. Và Ðảng Bảo Thủ của Winston Churchill đã được nhiều cơ hội trở lại chấp chính với các nhà lãnh đạo tài cao đức trọng như nữ Thủ Tướng Margaret Thatcher.

 

Tự do dân chủ

Theo Tướng Trần Ðộ, trong chiến tranh và cách mạng, muốn phối hợp đấu tranh phải tập trung quyền lực, chịu đựng gian khổ và đặt mình dưới sự lãnh đạo của đảng cầm quyền, chấp nhận mọi hy sinh để chiến thắng.

Nhưng khi hòa bình vãn hồi, mục tiêu ưu tiên là xây dựng đất nước, phát triển kinh tế, thực thi tự do nhân quyền và mưu cầu hạnh phúc cho người dân. Do đó không thể quản lý xã hội như một trại lính. Trong thời bình nếu cứ tiếp tục theo lề lối cũ, thì đó là phản tiến bộ, phản động, phản dân chủ và phản nhân dân.

[Về việc thực thi nhân quyền, năm 1942, trước diễn đàn Quốc Hội Hoa Kỳ, Tổng Thống Franklin Roosevelt đề ra 4 quyền tự do cơ bản là:

Tự do ngôn luận;

Tự do tín ngưỡng;

Quyền được giải thoát khỏi sự túng thiếu; và

Quyền được giải thoát khỏi sự sợ hãi, sợ hãi do xâm lược bên ngoài (ngoại xâm) và chuyên chế bên trong (nội xâm).

Dưới chế độ độc tài toàn trị, không có tự do ngôn luận, tự do tôn giáo, người dân nông thôn và duyên hải chưa được giải thoát khỏi sự nghèo túng, và toàn dân vẫn chưa được giải thoát khỏi sự sợ hãi].

Ngày nay, toàn dân đều sợ công an, sợ cán bộ Ðảng, vì cán bộ Ðảng cũng như công an, hay dò la, xem xét và dọa nạt dân chúng. Công an ngày càng nhiều và ngày càng có nhiều nét của một hình ảnh khủng bố.

Bộ máy quản lý xã hội thực hiện nguyên tắc chuyên chính tàn bạo hơn tất cả các thứ chuyên chính. Ðó là sự chuyên chính tư tưởng được thực hiện bởi một đội ngũ nòng cốt là những "lưu manh tư tưởng". Chuyên chính tư tưởng ban hành những đạo luật tàn khốc để bóp nghẹt mọi suy nghĩ, mọi tiếng nói [và bắt giam độc đoán những chiến sĩ dân chủ bằng cách bịa đặt những tội trạng giả tạo như tuyên truyền chống chế độ, tuyên truyền chống nhà nước, lợi dụng quyền tự do dân chủ, phá hoại chính sách đoàn kết v...v...]

Nền chuyên chính vô sản này làm tê liệt toàn bộ đời sống tinh thần của một dân tộc, làm tê liệt sự hoạt động tinh thần của nhiều thế hệ, ra sức nô dịch toàn bộ tinh thần của nhiều thế hệ, khiến con người trở thành những con vẹt chỉ biết nhai lại các nguyên lý lỗi thời, bảo thủ, giáo điều. Về mặt văn hóa, nó làm cho giáo dục khô cứng, các hoạt động văn học nghệ thuật nghèo nàn, mất hết cơ hội sáng tạo và mất hết hào hứng. Các hoạt động khoa học cũng bị khô cứng và nô dịch. Nó tạo ra và buộc nhân dân phải có một tâm lý lệ thuộc vào nhà nước, lệ thuộc vào Ðảng, lệ thuộc vào cán bộ. Và nền chuyên chính tư tưởng hiện nay ở Việt Nam là tổng hợp các tội ác ghê gớm của Tần Thủy Hoàng và các vua quan tàn bạo của Trung Quốc, cộng với những tội ác của các chế độ phát-xít và độc tài. Nó tàn phá cả một dân tộc và làm hại cả một nòi giống. Tội nặng nhất là vi phạm nhân quyền.

Theo các khẩu hiệu tuyên truyền, các cán bộ cộng sản thường nói họ có một chế độ XHCN và một xã hội XHCN rất tốt đẹp cho một nhà nước có tên là CHXHCNVN do Ðảng CS lãnh đạo. Bản chất của chế độ XHCN là đem lại tự do dân chủ và công bằng hạnh phúc cho nhân dân. Vậy mà ngày nay, từ bậc cách mạng lão thành đến các nhà trí thức và các thanh niên, ai cũng thấy là không phải thế. Ðối chiếu với sự thật thường ngày họ thấy chữ XHCN thật vô duyên và vô nghĩa. Vì vậy có rất nhiều ý kiến muốn lấy lại tên nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa.

Trong chế độ độc tài độc đảng, Ðảng CS công khai tuyên bố là Ðảng lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối. Họ đã quét sạch tất cả các đảng phái quốc gia khác như Quốc Dân Ðảng, Ðồng Minh Hội [cũng như Ðại Việt, Duy Dân, Lập Hiến, Tân Tả Phái v...v...]. Hai Ðảng Dân Chủ và Ðảng Xã Hội trong Mặt Trận Tổ Quốc đã phải tự giải thể sau khi hoàn thành sứ mạng trong cuộc Giải Phóng Miền Nam. Trong chế độ độc tài độc đảng này không thể có dân chủ. Nó có tính phản dân chủ và có liên hệ xa gần với chế độ phát-xít. Vì vậy khẩu hiệu tuyên truyền chiến lược từ thời Tổng Khởi Nghĩa 1945 là xây dựng một chế độ chính trị tốt đẹp, "dân chủ gấp triệu lần dân chủ tư sản tây phương" chỉ là những lời nói láo và đã bị thực tế chửi lại.

Loại tuyên truyền dối trá, giả nhân giả nghĩa này đã ảnh hưởng tai hại đến đời sống tinh thần, văn hóa và đạo lý của dân tộc.

Ngày nay ai cũng biết Ðảng CS nói một đàng, làm một nẻo.

Nói thì dân chủ vì dân, mà làm thì chuyên chính phát-xít, nghĩa là nói dối, nói láo, lừa bịp, trò hề, "nói vậy mà không phải vậy".

Chế độ này bắt mọi người phải đóng trò từ trẻ con đến người già. Nó tạo nên một xã hội dối lừa, lãnh đạo dối lừa, Ðảng dối lừa, cán bộ dối lừa, làm ăn giả dối, giáo dục dối lừa, bằng cấp giả dối, đến gia đình cũng lừa dối, hứa hẹn lừa dối, tung hô lừa dối và lễ hội cũng dối lừa.

Cũng vì sự chuyên chế và tuyên truyền xảo trá, Ðảng CS ngày nay là một tầng lớp thống trị, một tập đoàn chuyên nghề bóc lột, hành hạ, sai khiến nhân dân và lừa bịp nhân dân trong khi vẫn nhân danh là đầy tớ của nhân dân.

Bên cạnh đó phát sinh một hệ thống an ninh với Bộ Công An đầy quyền lực và thủ đoạn học được từ các chế độ phong kiến, phát xít và độc tài cộng sản. Tất cả nhằm bảo vệ quyền lực của Ðảng CS. Chế độ này đang lung lay, nhưng cố che lấp sự kém cỏi bất lực của mình để ngày càng chuyên chế một cách quyết liệt nhằm bảo vệ quyền và lợi trong sự độc tài toàn trị, và đã thoát ra khỏi lòng tin của nhân dân. Nếu Ðảng vẫn cứ ngoan cố duy trì chế độ này thì sớm muộn nhân dân sẽ chán ghét và từ đó dẫn đến đổ vỡ với những tai họa khôn lường cho đất nước và dân tộc, tai họa ấy còn nặng nề gấp nhiều lần tai hại của Cải Cách Ruộng Ðất và tai họa bắt cả nước xây dựng Xã Hội Chủ Nghĩa.

Tai họa này sẽ xóa sạch vai trò lịch sử của Ðảng và Ðảng sẽ phải chịu tội trước lịch sư. Ôi, cay đắng thay!

Cái guồng máy nhục mạ con người

Mang bộ mặt hiền lành của người cuốc đất

.............

Cay đắng thay

Mỉa mai thay

Trọn tuổi xuân ta hiến dâng cuồng nhiệt

Lại đúc lên chính bộ máy này

(Bùi Minh Quốc)

Trong các mục tiêu của người dân thì lý tưởng cao cả nhất, tha thiết nhất và bao trùm nhất là Tự Do Dân Chủ. Vậy mà hiện nay, hiện tượng nổi bật nhất là bộ máy độc đoán và độc tài toàn trị của Ðảng CS để đàn áp thẳng tay các ý kiến khác. Có một đội ngũ "lưới gỗ" rất đông đảo, chuyên ngụy biện, nói lấy được, nói bừa bãi, trắng trợn, bất chấp lẽ phải, đạo lý, hiến pháp và luật pháp, nhiều khi bằng những thủ đoạn lưu manh. Ðảng này xa rời nhân dân, thống trị nhân dân, bắt nhân dân phải sống, nói và làm theo ý Ðảng, nghĩa là nhân dân đã bị Ðảng tước hết mọi quyền tự do dân chủ. Như vậy, trên thực tế, sự độc quyền lãnh đạo của Ðảng đã tạo nên một bộ máy phá dân chủ một cách trắng trợn, tinh vi và tàn bạo.

Bộ máy cai trị này đã tạo nên một xã hội không có tự do dân chủ, đầy tệ nạn tham nhũng, đầy tệ nạn xã hội, làm tất cả mọi người trong xã hội không lúc nào được yên tâm và thường xuyên lo lắng, sợ hãi.

Về mặt chủ thuyết, chủ nghĩa xã hội bị méo mó ngày càng lớn, càng cực đoan. Nó có thể trở thành chế độ cộng sản kiểu Mao-ít, cao hơn nữa là kiểu Pôn-Pốt đã gây nên những tội phạm ghê gớm của loài người.

Sự độc tài ý thức hệ và độc tài toàn trị cùng với dối trá, lừa bịp đã gây nên sự sợ hãi bao trùm làm tê liệt mọi tư duy và tình cảm.

Nói tóm lại đó là một chế độ lưu manh hóa xã hội, bần cùng hóa nhân dân, nô lệ hóa con người và [phủ nhận hay] bình quân hóa mọi ý nghĩ, cá tính, tình cảm và tư duy. Ðảng CS phải ý thức nguy cơ này. Nếu không tôn trọng chế độ dân chủ và sinh hoạt dân chủ thì chẳng chóng thì chầy Ðảng sẽ bị giống nòi và dân tộc loại trừ. Vậy mà ngày nay Ðảng vẫn cho sinh mệnh và vai trò của mình là quan trọng hơn cả sự phát triển của đất nước, hơn cả cuộc sống của nhân dân, hơn cả sự nghèo khổ và tụt hậu của đất nước, thì chắc chắn Ðảng sẽ đi vào ngõ cụt của sự tàn lụi.

Trong khi đó tại các quốc gia văn minh, các Ðảng CS đã thay đổi chủ thuyết, đường lối chính sách cũng như quan niệm tổ chức và sinh hoạt để theo kịp trào lưu dân chủ hóa và hiện đại hóa trên toàn cầu. Chính Ðảng Cộng Sản Pháp cũng đã công khai tuyên bố phủ nhận Chủ Nghĩa Xã Hội Mác-Lênin, từ bỏ thuyết Chuyên Chính Vô Sản và chính sách Tập Trung Dân Chủ. Vì đó là những học thuyết lỗi thời phản dân tộc và phản nhân loại. Nó còn đi trái với văn hóa, đạo lý [và những lý tưởng truyền thống của dân tộc như tinh thần đại đồng, tinh thần nhân bản, tinh thần dân chủ, tinh thần hiếu hòa và tinh thần bao dung].

Hiện nay những người lãnh đạo Ðảng CS vẫn kiên định lấy chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng. Mà tư tưởng Hồ Chí Minh chỉ là sự vận dụng chủ nghĩa Mác-Lê. Theo chủ nghĩa này toàn dân toàn quân cũng như các cơ quan nhà nước phải tuân phục Ðảng CS bằng sự lãnh đạo tuyệt đối và toàn diện. Toàn thể nhân dân phải học tập và tuân hành nghị quyết của Ðảng. Nhiều khi những nghị quyết này đi ngược lại những quy định về hiến pháp và luật pháp do quốc hội thông qua. Mà quốc hội muốn thông qua cái gì cũng phải được Ðảng phê duyệt.

Ðảng kiên trì chế độ tập trung quyền lực, tập trung tư tưởng, tập trung dân chủ trong chế độ vô sản chuyên chính. Như vậy thực chất chế độ không phải là có dân chủ xã hội chủ nghĩa mà là chế độ xã hội phản dân chủ.

[Ngày nay tổ chức Quốc Tế Xã Hội (Socialist International) quy tụ trên 60 Ðảng Xã Hội, Dân Chủ Xã Hội, và Lao Ðộng trên thế giới. Tổ chức Liên Minh Xã Hội Á Châu (Asian Socialist Conference) cũng kết hợp môt số Ðảng Xã Hội và Lao Ðộng tại vùng thế giới này. Cả hai tổ chức Quốc Tế Xã Hội nói trên đều theo Chủ Nghĩa Dân Chủ Xã Hội (Democratic Socialism), tôn trọng những quyền tự do chính trị như tự do phát biểu, tự do lập đảng, tự do tuyển cử và bác bỏ chế độ mệnh danh là vô sản chuyên chính hay độc tài đảng trị. Bản Tuyên Ngôn Liên Minh Xã Hội Á Châu năm 1953 viết: "Chúng tôi, các Ðảng Xã Hội, Dân Chủ Xã Hội và Lao Ðộng tại Á Châu, tuyên bố phủ nhận chủ nghĩa CS, và tuyên bố sẽ tiếp tục cuộc chiến đấu của chúng tôi để thay thế các chế độ phong kiến lạc hậu bằng chế độ Dân Chủ Xã Hội."

Các Ðảng Xã Hội và Lao Ðộng tại Âu Châu chủ trương giải phóng lao động bằng đấu tranh đại nghị và nghiệp đoàn. Họ đã góp phần xây dựng hòa bình thế giới, nâng cao đời sống tinh thần và vật chất của các tầng lớp lao động và tiểu tư sản. Họ có những thành tích đấu tranh bảo vệ tự do dân chủ và giải phóng lao động từ cuối Thế Kỷ 19, đầu Thế Kỷ 20. Những Ðảng tiền phong là các Ðảng Lao Ðộng tại Anh, Hà Lan, Úc, Canada, các Ðảng Xã Hội và Dân Chủ Xã Hội tại Pháp, Ðức, Áo, Thụy Ðiển, Na Uy, Ðan Mạch, Phần Lan, Tây Ban Nha, Bồ Ðào Nha v...v... Mới đây sau cuộc Cách Mạng Dân Chủ 1989, các Ðảng Xã Hội và Dân Chủ Xã Hội tại Ðông Âu đã phục hoạt trở lại như tại Ðức, Ba Lan, Tiệp Khắc, Hung Gia Lợi, Bảo Gia Lợi, An Ba Ni, Lỗ Ma Ni v...v...

Trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc và giải phóng lao động, các Ðảng Lao Ðộng, Xã Hội và Dân Chủ Xã Hội Âu Châu là những đối thủ nguy hiểm nhất của Ðảng CS. Tháng 2-1917 Ðảng Dân Chủ Xã Hội của Kerensky được nhân dân Nga tín nhiệm trong cuộc tổng tuyển cử bầu Quốc Hội Lập Hiến. Tuy nhiên, 8 tháng sau, Lênin đảo chính võ trang lật đổ chế độ Kerensky để thành lập Liên Bang Sô Viết theo chế độ CS, với vô sản chuyên chính, độc tài đảng trị và độc quyền tư tưởng. Sau 70 năm nắm chính quyền, Ðảng CS Liên Xô đã không xây dựng được chủ nghĩa xã hội chân chính theo đường lối của Quốc Tế Xã Hội. Kết quả là nhân dân vừa mất tự do, vừa lâm vào cảnh nghèo khổ túng thiếu.]

Ở Việt Nam cũng vậy, tới đầu thập niên 1980, xã hội chủ nghĩa là "xếp hàng cả ngày", xã hội bất công, nhà nước độc tài với những tệ nạn ngày càng trầm trọng, đặc biệt là tệ nạn tham nhũng. Do đó muốn xây dựng một chế độ dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh, Việt Nam phải xóa bỏ thứ (ngụy) chủ nghĩa xã hội với độc tài toàn trị và độc quyền lãnh đạo của Ðảng CS. Mà muốn đả phá chuyên chính, đả phá toàn trị, đả phá độc quyền thì phải xóa bỏ Ðiều 4 Hiến Pháp [để thiết lập chế độ Dân Chủ Pháp Trị theo Chủ Nghĩa Dân Chủ Tự Do hay Dân Chủ Xã Hội chính thống của nhân loại văn minh].

Nhận định sau cùng là muốn hội nhập vào cộng đồng các quốc gia văn minh trên thế giới, các chính phủ, nhất là ở Việt Nam, phải biết tự trọng và trọng danh dự quốc gia bằng cách tôn trọng chữ ký và cam kết của mình trong các Hiệp Ước và Công Ước Quốc Tế, đặc biệt là Hiến Chương Liên Hiệp Quốc, Công Ước Quốc Tế về Những Quyền Dân Sự và Chính Trị và Công Ước Quốc Tế về Những Quyền Kinh Tế Xã Hội và Văn Hóa mà Chính Phủ đã ký kết và Quốc Hội đã phê chuẩn. Có như vậy Việt Nam mới có cơ hội tiến lên sánh vai với các nước dân chủ tiến bộ trên thế giới để, bằng hợp tác và hữu nghị, xây dựng một nước Việt Nam dân chủ, phát triển, văn minh và tiến bộ, đem lại tự do, hạnh phúc và công bằng xã hội cho người dân.

 

Hải Ngoại ngày 15- 9-2007

LS. NGUYỄN HữU THỐNG

 

=END=

 

5- Câu Chuyện Việt Nam

 

- Chuyện không thể không kể

 

Văn Quang

 (VNN)

 

Trong tuần vừa qua, ở Việt Nam chẳng thiếu gì chuyện lớn, chuyện nhỏ, lẩm cẩm và không lẩm cẩm. Song đối với tôi, có một chuyện nhỏ, tôi lại cho là điều đáng phải tường trình với bạn đọc hơn cả.

Số trước (224), ngay trong đoạn đầu tiên về việc giúp đỡ anh em TPB VNCH, tôi đã thông báo có một danh sách 5 TPB ở Houston gửi về. Ngay sau đó, tôi đã yêu cầu anh Ðoàn Dự ở Sài Gòn gửi ngay đến những anh em này mỗi người 100 đô la trích trong số tiền của độc giả Thời Báo Canada gửi tặng.

 

Không chân, không tay, mù mắt làm sao ra bưu điện lãnh tiền?!

Vài ngày sau, số anh em nhận được quà tặng đã hồi âm. Duy chỉ có anh Dương Quang Thương, ở Ðội 1, Hợp tác xã Trung Tiến, Xã Lộc Tiến, Huyện Phú Lộc, Thừa Thiên Huế là chưa có hồi âm. Chúng tôi hơi sốt ruột. Nhưng gần một tuần sau, anh Ðoàn Dự cho biết là vừa nhận được điện thoại của người con gái anh Dương Quang Thương gọi vào báo tin đã nhận được tiền. Việc chậm trễ hồi âm một vài ngày chẳng có gì đáng nói. Ðiều đáng nói ở đây là lý do nhận được tiền chậm của gia đình anh Thương.

Người con gái anh Thương là chị Dương Thị Hoa kể rằng: Bố chúng cháu bị cụt cả hai chân, hai tay, mắt lại mù nên chỉ nằm trên giường. Khi bưu điện gọi ra lãnh tiền, cả nhà cháu đều hết sức ngỡ ngàng. Bởi từ trước tới nay chưa hề nhận được tiền của ai giúp đỡ qua bưu điện bao giờ. Vả lại Bố chúng cháu không có chân, làm sao đi đến Bưu điện được và có đi cũng không có tay, mắt lại mù, làm sao mà ký nhận? Vì vậy bưu điện không thể phát tiền được. Ðó là nguyên tắc của họ. Cả nhà chỉ còn biết ngồi tiếc ngẩn ngơ rồi khóc.

Ðối với người ở nông thôn, hơn một trăm ngàn đã là quá khó kiếm, nói gì đến hơn triệu đồng VN, quý lắm. Chị nói từ bao lâu nay chị vẫn phải nuôi mấy đứa con nhỏ và nuôi bố, trong khi người chồng của chị đã rời bỏ quê hương, đi tha phương cầu thực ở đâu chẳng biết. Cuộc sống vô vàn khó khăn. Kể đến đây chị Hoa cũng khóc.

Cũng may, trong xóm có người mách: ra Ủy Ban xã mời người của ủy ban đến nhà chứng kiến và làm giấy chứng nhận rồi mang cái giấy đó ra bưu điện xã có thể lãnh được. Chị Hoa đã làm theo và mấy ngày sau, gia đình chị mới nhận được tiền. Cả nhà chị xúc động, vui mừng như mở hội. Chị nói rất nhiều đến những lời cảm tạ như chưa từng "được cảm tạ" như thế bao giờ.

Sự việc này khiến chúng tôi bùi ngùi. Nhưng anh em ở miền Trung xa quá, chúng tôi không thể đưa đến tận tay từng người như đã từng làm với các anh em ở Ðồng bằng sông Cửu Long. Chỉ có cách gửi qua bưu điện là nhanh nhất và phí tổn không nhiều. (Gửi hơn một triệu đồng, phí tổn chừng ba chục ngàn đồng VN). Sau đó, nếu có điều gì nghi ngờ chúng tôi có thể dễ dàng kiểm lại.

Tôi bàn với anh Ðoàn Dự và tòa soạn gửi tặng tiếp thêm cho gia đình anh Thương 200 CND nữa, cũng trích trong số tiền của độc giả Thời Báo Canada còn lại. Chúng tôi hy vọng độc giả cũng sẽ đồng ý với chúng tôi về việc này.

Nếu bạn đọc muốn giúp đỡ gia đình anh Dương Quang Thương, xin gửi về địa chỉ:

Chị Dương Thị Hoa: Ðội 1, Hợp tác xã Trung Tiến, Xã Lộc Tiến, Huyện Phú Lộc, Thừa Thiên Huế.

Xin cảm ơn anh Nguyễn Gia Quyết và bạn đọc VietHouston đã cung cấp địa chỉ.

Trong khi ở VN có những gia đình cực kỳ nghèo khổ và những người dân sống trong hoàn cảnh bệnh tật đau thương như thế thì có hàng ngàn chuyện lãng phí, tham ô với những thủ đoạn tinh vi, tàn bạo vừa được công bố.

 

Kinh hoàng chuyện ngân sách bị rút ruột hàng ngàn tỉ đồng

Trước hết phải xác định ngay, từ trước đến nay, người dân VN hoàn toàn không hề hay viết gì về sự thâm thủng ngân sách. Bởi có bao giờ họ được biết ngân sách chi ra cho từng công trình là bao nhiêu đâu. Chỉ có các cán bộ cấp cao và những "bên có liên quan" mới được biết thôi. Cũng như những vùng quy hoạch nào "thơm" nhất, giá nhà đất sẽ lên vùn vụt thì chỉ có các quan biết với nhau. Có khi còn giữ bí mật cả với vợ, nhưng với bồ nhí thì hé lộ tí ti gọi là "đền bù săn sóc" hay gọi là "tình phí" cũng không sai. Quan chả mất gì mà "cưng" lại hưởng lợi. Ðúng là "đôi bên cùng có lợi".

 Tuy có nghi ngờ và gần như người dân nào cũng có thể "hiểu ngầm" rằng ngân sách bị xà xẻo bởi bọn sâu dân mọt nước là chuyện tất nhiên.

Nhưng người ta không thể ngờ con số lại lớn đến thế. 7.622,5 tỉ đồng ngân sách, tức là tiền của nhân dân, bị lãng phí, bòn rút trong năm 2005 khiến người dân choáng váng như bị đấm vào mặt. Vậy năm 2006 và 2007 sẽ là bao nhiêu? Chưa kiểm toán, chưa biết được, song chắc chắn đi theo đà phát triển kiểu "tùm lum" này thì tất yếu nó phải gia tăng theo tỉ lệ thuận. Không có gì phải "théc méc".

Riêng trong năm 2005, dù chưa công bố chi tiết và chưa đầy đủ, nhưng bản báo cáo tóm tắt của Kiểm toán Nhà nước về ngân sách năm 2005 vừa được công bố, cũng đủ khiến người xem phải kinh hoàng. Nếu đầy đủ hơn nữa, chắc có người... bỏ xứ mà đi như các cô dâu lấy chồng Hàn Quốc cho đỡ tức mình.

Nhìn lại 104 cuộc kiểm toán, số lượng vi phạm lên đến gần 8.000 tỉ đồng và 100% đơn vị được kiểm toán đều "có vấn đề". Có nghĩa là bất cứ khoản tiền nào nhà nước bỏ ra làm đều bị "ăn cắp". Gọi là "ăn cắp" không đúng hẳn, bởi cứ mỗi khi có khoản tiền nào "rót xuống" là lập tức có một "bộ tham mưu" bàn bạc tính toán để chia nhau. Thế cho nên người dân đã nhiều lần tính toán rằng nếu làm một con đường, bỏ ra một trăm tỉ thì trên dưới chia chác, đến anh nhà thầu bớt xén, biếu qua biếu lại, con đường được làm với 50 tỉ đã là may lắm rồi. Một ngôi nhà, một hội trường, một nhà "lưu niệm", một trụ sở Ủy Ban lẩm cẩm nào đó, ngay cả một ngôi trường học thì thường chỉ được "thi công" với 30% số tiền nhà nước bỏ ra. Như thế phải gọi là ăn cướp mới đúng chữ nghĩa VN. Cái sự thật đó, người dân đã "thuộc" từ lâu chứ chẳng phải bây giờ.

 

"Tiền chùa", ném đi đâu?

Chỉ lấy một hai thí dụ trong hàng ngàn vụ: người ta có thể ném hàng tỉ đồng vào những dự án không hề có giấy tờ gì như bốn hạng mục ở Nhà máy điện Phú Mỹ 4. Còn dự án cầu Vĩnh Tuy, người ta đã cò kè để cố bớt từng đồng đền bù ruộng đất của dân. Nhưng đã có gần 30 tỉ đồng đã được đền bù... cho các tay có quyền có thế kéo theo cả một đàn, một lũ vợ chồng con cái nội ngoại của họ.

Cứ hỏi sao người dân "khiếu kiện vượt cấp", hầu hết từ đó mà ra. Cần gì phải hỏi.

 

Biết trước dự án chết, vẫn làm

Có dự án người ta biết trước chắc chắn sẽ chết, sẽ rơi vào vực thẳm nhưng họ sẵn sàng bất chấp hậu quả, miễn là cứ giải ngân càng sớm càng tốt. Ðó là những dự án vượt thẩm quyền, không đủ kinh phí, làm dở dang phơi nắng dầm mưa như: 13 dự án xây trụ sở làm việc ở Bạc Liêu, quốc lộ 6 Hòa Bình - Sơn La hay đường hầm Viện Hải dương học Nha Trang... Cứ làm, cứ chi, miễn là có chấm mút. Chữ "chấm mút" lỗi thời rồi, bây giờ phải dùng chữ "vồ" mới sát cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Chấm mút là còn "chút chút", là còn biết sợ. "Vồ" là cứ xông tới chụp giựt bằng được mới thôi. Cũng chưa thôi, nếu còn "vồ" được là lại vồ tiếp, vồ thường xuyên, vồ liên tục. Nó trở thành "phổ biến" trong bất cứ khoản tiền nào của ngân sách nhà nước, đó là thứ "ngon nhất", bọn dân đen biết đấy là đâu.

Không chỉ khéo bòn rút, phóng tay tiêu mà dường như nhiều đơn vị coi ngân sách như của riêng một số cán bộ đương chức. Họ thoải mái cho vay, cho ứng, cắt tiền khoa học công nghệ chi cho tiền hỗ trợ, vui chơi...

Tôi cam đoan rằng bạn đọc đã từng dùng chữ "tiền chùa", nhưng chưa bao giờ đúng bằng người dân VN dùng lúc này.

Một số vụ trong đợt kiểm toán này đã được chuyển sang cơ quan điều tra đồng thời tất cả các báo cáo của kiểm toán nhà nước đều được gửi đến Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng để phối hợp trong công tác phòng chống tham nhũng.

Hãy đợi xem kết quả của sự chống tham nhũng này như thế nào. Chỉ sợ nhiều quá chống không xuể, hồ sơ lại chất đầy như núi theo với tháng năm... hiu hắt ngọn đèn vàng!

 

Cửa Bắc Viện Hải dương học Nha Trang cỏ dại mọc đầy, làm để... bỏ không!

 

Còn những món ăn chơi hấp dẫn khác

Ngoài những "món ăn khoái khẩu" trong mâm cỗ tiền chùa của ngân sách nhà nước, các quan còn khối món ăn khoái khẩu khác nữa và những thú vui chơi ly kỳ không giống ai. Vồ đất của nhà nước chia nhau, sang đi bán lại, đền bù lằng nhằng cũng kiếm mỗi vị vài chục tỉ xài chơi. Gần nhất, những vụ việc còn đang lằng nhằng như ở Kiên Giang, Bình Dương, Tây Ninh... có thể là những dẫn chứng cụ thể nhất. Gian manh hơn, khi cần có luật để bảo vệ sự gian lận đó, các quan bèn hè nhau đẻ ra luật lệ, đẻ ra quyết định để hợp thức hóa. Gọi là "tham mưu" cho cấp trên, "đề xuất" như cái kiểu quân sư quạt mo, làm sẵn "luật" cho cấp trên ban hành. Thế là mâm cỗ dọn sẵn, họ hàng nhà quan chỉ việc ngồi vào ăn thoải mái.

Ðấy mới chỉ là một trong những món ăn chơi "thời thượng" của những quan tham thời nay. Còn những món lập công ty xe vận tải, xe ben, trường đá gà, kinh doanh độc quyền đủ loại thì nhiều vô số kể.

 Có thể tạm kể ra món "độc quyền lậu" của một quan chức thuộc cơ quan đứng đầu cả nước về chống buôn lậu lại đi xe lậu, đến tuần vừa qua mới bị khám phá ra.

 

Người của "bộ" dùng xe lậu của "bộ"

Chiếc xe hiệu Nissan Bảng kiểm soát (BKS) số 80B-2641, vẫn thường hay lui tới các cảng ở TP Sài Gòn cho đến Ðồng Nai, Bình Dương và Vũng Tàu. Giới làm ăn vận tải đều biết đến ông Ðặng Văn Lợi - quan chức Tổng cục Hải quan (phía nam) - là người điều khiển chiếc xe này. Họ cũng phải kiêng nể bởi chính BKS xe cho thấy là người của "bộ"(!?).

Nhưng khi kiểm tra chiếc xe này thì có tới 2 chiếc xe mang cùng biển số. Chiếc xe "thật" của Tổng cục Hải quan không còn hoạt động từ hơn 2 năm qua, còn chiếc xe cũng mang biển số do ông Lợi dùng là xe giả. Bằng chứng là anh Lê Duy Tuấn (nhân viên làm việc tại Tổng cục Hải quan) khẳng định: "Chiếc xe với BKS này là của Tổng cục Hải quan, chính tôi là người lái chiếc xe này từ năm 1993 đến năm 2003 thì xe bị hỏng. Sau đó hơn 2 năm nay, chiếc xe bỏ ở đây. Giấy tờ xe đứng tên chủ quản là Tổng cục Hải quan...".

Với cương vị được Tổng cục Hải quan giao phó trong lực lượng phòng, chống buôn lậu, vị thế của ông Lợi nổi như cồn. Do vậy, để lợi dụng chức vụ quyền hạn của mình, ông Lợi đã bắt tay vào cuộc làm ăn khiến giới kinh doanh vận tải và làm thủ tục hải quan phải kiêng dè và không dám ho he.

Lợi dụng chiếc xe quan đó, ông Lợi lập ra doanh nghiệp Nhật Thịnh. Cao tay ấn hơn, ông Lợi lại thuê ông Lê Văn Chiến đứng tên làm giám đốc (GÐ) với ngành nghề kinh doanh: "Dịch vụ giao nhận hàng xuất nhập khẩu, khai thuế hải quan. Cho thuê kho bãi. Ðại lý ký gửi hàng hóa. Kinh doanh vận tải hàng bằng xe hơi". Chính từ việc có doanh nghiệp (DN) trong tay, ông Lợi đã mở nhiều cuộc làm ăn khiến giới kinh doanh vận tải bị chèn ép hoặc cho ra rìa. Trong khi đó, ông Chiến khẳng định: "DN Nhật Thịnh là của ông Lợi, tôi được thuê làm giám đốc và đứng tên giấy phép kinh doanh chứ mọi hoạt động, điều hành đều do ông Lợi làm. Tôi có ký biên bản khi chiếc xe lậu mang BKS 80B bị CA giữ. Lúc đó ông Lợi năn nỉ tôi làm chuyện đó để cứu ông ta. Còn doanh nghiệp thì từ tháng 4-2007 đến nay, ông Lợi đã lấy lại và tôi không còn nhận lương cũng như làm việc cho DN này nữa".

 

Bình an vô sự

Doanh nghiệp Nhật Thịnh có khoảng 5 đầu kéo container, ông Lợi bắt đầu tìm các nguồn hàng để chuyên chở. Chỉ riêng việc ông Lợi can thiệp để Nhật Thịnh được ký kết hợp đồng kinh tế về việc thực hiện vận chuyển hàng hóa bằng container và làm thủ tục cho hàng nhập khẩu theo loại hình chuyển cửa khẩu của Cty Tong Hong Tannery VN và Doanh nghiệp Nhật Thịnh thì món hưởng lợi là rất lớn.

Vào thời điểm ký kết hợp đồng là năm 2006 (hiện hợp đồng này vẫn được thực hiện) là phí vận chuyển loại container 20 feed có giá hơn 1,7 triệu đồng, 40 feed có giá 2,3 triệu đồng... thì theo giá thị trường, cũng đoạn đường đó, cũng loại container đó, có giá thấp hơn rất nhiều. Như vậy chưa kể việc được ký hợp đồng vận chuyển và làm thủ tục hải quan, Nhật Thịnh còn được "ưu ái" có giá cước cao hơn thị trường nhưng vẫn hoạt động bình thường.

Không chỉ một doanh nghiệp, trong tay ông Lợi còn có thêm một doanh nghiệp tư nhân khác hiện đã hình thành cũng dưới tay ông Lợi tổ chức, hiện hoạt động kiểu như Nhật Thịnh. Ðoàn xe đầu kéo container của ông Lợi hiện ngày đêm vẫn hoạt động và sau những chặng đường đánh hàng lại về tá túc ngay trong bãi xe nhà ông Lợi ở Q.2. TP. Sài Gòn.

Ðến nay, chiếc xe lậu của ông Lợi đã bị CA tịch thu bán đấu giá, thế nhưng ông Lợi vẫn bình yên vô sự? Và đằng sau chiếc xe ấy có rất nhiều điều mờ ám gắn liền với việc "làm ăn" của quan chức chống buôn lậu ngành hải quan này. Vậy mà mọi sự vẫn êm ru. Thế mới là chuyện lạ. Chẳng biết Tổng cục Hải quan nghĩ sao? Người dân có quyền đặt câu hỏi: Hay là... lại ngại "rút dây động rừng"?

 

Chiếc xe có hai biển số, xe thật của Tổng cục Hải quan đã hư hỏng bị bỏ xó, ông Lợi dùng biển số này cho xe "lậu" của mình đi làm ăn riêng.

 

Thú chơi không giống ai

Ngoài chuyện "ăn", đến chuyện "chơi", những món ăn chơi trác táng như kiểu Hiền Chèo đưa các em được gọi là "nghệ sĩ và sinh viên thứ thiệt" ra Quảng Ninh cho các quan giải trí cùng hàng loạt vụ ăn chơi nổi đình đám của "tập đoàn Bùi Tiến Dũng" ở Hà Nội đã là chuyện bình thường rồi. Nhưng đó là trò giải trí của các quan to. Các quan nhỏ ở địa phương cũng có những trò giải trí "lẩm cẩm" khác người.

Có một chuyện được người dân mang ra kể lại như chuyện tiếu lâm. Tối 26-2-2007, ông Chung (Trưởng công an xã Tân Hưng, Ðồng Phú, Bình Phước) chắc là sau khi đã "ngà ngà" bèn bắt em Nguyễn Văn Beo (17 tuổi) về trụ sở công an xã. Sau đó, ông Chung đánh đập và lệnh cho một nghi can khác đang bị bắt dùng dao cạo một góc đầu của em Beo ngồi coi chơi đỡ buồn. Trông cái đầu của em có sọc, cứ như quả dưa gang, chắc là các quan xã khoái chí lắm.

Sở dĩ người dân nhắc lại vì dư luận um xùm quá, nên anh công an này vừa bị lãnh 9 tháng tù treo vì tội làm nhục người khác. Hình phạt đó có vẻ như còn hơi nhẹ. "Treo" thì chưa đủ sức ngăn chặn những thú chơi ngông khác của mấy anh quan nhí.

 

Nguyễn Văn Beo với mái đầu bị cạo như quả dưa gang!

 

Hậu quả lâu dài

Tuy nhiên, mái tóc em Beo sau vài tháng còn có thể mọc lại. Còn có những thú chơi để lại hậu quả lâu dài cho các em nhỏ.

Huỳnh Thị Ngọc Trâm, nguyên học sinh lớp 5, trường tiểu học An Hiệp 2, bị nghi ngờ lấy 47.800 đồng tiền quỹ lớp. Ngày 14-3, nguyên hiệu trưởng Lưu Văn Ca cử thày giáo phụ trách đội là Lê Văn Xem chở em đến Công an xã, đưa vào phòng riêng lấy lời khai, bắt viết bản tường trình mà không có người giám hộ. Sau đó, em Trâm bị hoảng loạn tinh thần, phải nghỉ học để điều trị tới nay. Những người liên quan đến việc lấy cung bé Trâm đã chịu cảnh cáo, kỷ luật. Song hậu quả thì còn lâu dài.

Sáng 5-9-2007 vừa qua, trong khi bạn đồng lứa nô nức đến trường dự khai giảng thì Huỳnh Thị Ngọc Trâm, nữ sinh bị hoảng loạn sau cuộc hỏi cung vì nghi án 47.800 đồng ở huyện Châu Thành, tỉnh Ðồng Tháp, lại phải nghỉ học, chuẩn bị tư trang lên TP. Sài Gòn chữa bệnh.

Chị Nga - mẹ em - kể, tối 4-9 vừa qua, khi thày chủ nhiệm lớp cũ của em gọi điện thoại thông báo ngày khai giảng, Trâm chỉ lặng nghe rồi tắt máy. Cũng theo lời chị Nga, sau gần 6 tháng điều trị tại bệnh viện Nhi đồng 1 và Tâm thần TP. Sài Gòn, sức khỏe Trâm đã tương đối ổn định. Tuy nhiên, em vẫn chưa nói thành tiếng rõ ràng, không chịu tiếp xúc với người lạ, kể cả bạn thân. Gia đình đã chuyển em lên Thị xã Sa Ðéc sống cùng bà ngoại, để cách ly môi trường gây bệnh cho em. Tức là xa lánh hẳn ngôi làng đã ám ảnh tâm trí em; nay lại phải đưa lên thành phố Sài Gòn chữa bệnh. Chưa biết đến bao giờ cô bé học trò mới quên được nỗi sợ hãi đã bị "hỏi cung" như vậy.

 

Trong ngày khai giảng năm nay, trong khi bạn đồng lứa nô nức đến trường dự khai giảng thì Huỳnh Thị Ngọc Trâm phải đưa lên Sài Gòn chữa bệnh tâm thần.

 

Tình yêu là như thế

Tạm ngưng những chuyện buồn đó để bạn đọc đỡ nhức đầu, xin kể một chuyện vui, tôi cho là rất lý thú. Một chuyện tình đáng nể giữa thời đại văn minh hiện đại này. Trong khi có những mối tình sống vội, yêu chớp nhoáng rồi chuồn lẹ hoặc có những mối tình sinh viên với các đại gia, cẳng dài với "ông kẹ", chuyện tình một đêm... chung quy chỉ vì tiền thì giữa công viên lại xảy ra một chuyện tình khá ly kỳ. Ðọc câu chuyện thời sự lẩm cẩm này, quả thật tôi thấy thú vị lắm và chỉ có thể mỉm cười kết luận "đó mới thật là tình yêu". Xin tường thuật lại để bạn đọc cùng "thư giãn" và chiêm nghiệm.

 

"Romeo - Juliet nhặt rác"

Khu vực hồ Ðống Ða (Hà Nội) có một đôi bạn già, ngày đi nhặt rác, tối ngủ ven hồ hoặc trong các ống cống. Bà dở dở điên điên, ông lần nào bị con bắt lên xe hơi đưa về nhà rồi cũng "vượt ngục", trở lại cuộc sống "màn trời chiếu đất" với "người tình Juliet"...

Chẳng ai biết tên cũng như lai lịch của 2 ông bà, những người thường đi qua công viên chỉ thấy họ suốt ngày "cặp kè" với nhau như một đôi tình nhân thắm thiết lắm. Người đàn ông khoảng ngoài 60, còn người phụ nữ, đã quá tuổi 50.

Họ đã đặt tên cho đôi tình nhân này là "Romeo và Juliet nhặt rác". Cái tên nghe có vẻ xúc phạm, nhưng thật ra đó lại là sự suy tôn mối tình của hai người bạn già này. Bởi họ đã cùng nhau vượt qua nhiều "hoạn nạn" cam chịu nghèo khổ cùng nhau, nhất quyết không rời xa, không màng phú quý.

 

Romeo ngủ tạm bên hồ trong khi chờ đợi người tình Juliet nhặt rác trở về tổ ấm.

 

Con mang xe hơi đến "bắt cóc", bố vẫn không chịu về

Có một hôm, người đi tập thể dục buổi chiều quanh hồ Ðống Ða thấy 1 chiếc xe hơi khá sang trọng dừng lại trước căn nhà ống cống của "Romeo và Juliet nhặt rác". 4 người đàn ông cùng 2 phụ nữ từ trong xe bước ra, trèo lên nóc cống rồi hò nhau lôi "Romeo" đang trốn bên trong ra, "quẳng" lên xe hơi, mặc ông già ra sức giãy giụa.

 Người đi đường thấy vậy xúm lại định can thiệp thì một trong 2 người phụ nữ phân trần: "Ðây là bố chồng em, chẳng biết cụ phải bùa phải bả gì "bà điên" kia mà bỏ nhà bỏ cửa, bỏ con cháu để ra đây sống trong ống cống, chúng em phải thuê người đi tìm mãi mới được!".

Xe hơi chở "Romeo" đi khuất, "Juliet" mới lò dò chui từ trong đám ống cống bên cạnh ra, cứ ôm mặt khóc rưng rức.

Sau gần 2 tuần bị "bắt về", bất ngờ "Romeo" lại xuất hiện ở những chiếc ống cống. Có người tò mò tới hỏi thăm, ông hớn hở khoe: "Chúng nó đem tôi về nhà thằng anh cả, nhốt lại không cho đi đâu. Mãi tôi mới trốn ra được đấy!".

Biết bố "ngụ" trong những chiếc ống cống, mấy người con của "Romeo" một lần nữa quay lại "bắt cóc" bố về. Ðược vài bữa, ông lại trốn ra và quay về với "Juliet nhặt rác". Ðiệp khúc ấy cứ diễn đi diễn lại vài lần, mãi rồi những người con cũng chịu thua, không tìm nữa.

Tôi hoan nghênh sự hiếu thảo của những người con, nhưng bái phục ông già Romeo trên sáu bó này hơn. Xin hãy để cho cặp tình nhân tuyệt vời này được sống trong cái thế giới của riêng mình. Như một tấm gương rất đẹp cho cả một thời đại.

Bạn đọc nghĩ gì khi hình dung ra cảnh này? Tôi hy vọng bạn tìm lại được một chút thư thái trong tâm hồn mình và yêu người, yêu đời hơn. Tình yêu là như thế.

 

Ðường vào tổ ấm trong ống cống của cặp tình nhân "Romeo và Juliet nhặt rác". Ðây là hình ảnh nàng Juliet đang trở về.

 

=END=

 

6- Văn Học Nghệ Thuật

 

- Mối Tình Việt Ấn

 

Nguyễn Phan Ngọc An

 

Một câu chuyện tình đầy thơ mộng và lý thú đã xảy ra tại vùng thung lũng Silicon cách nay gần mười năm...

Theresa Thiên Kim, tên của nàng - Thiên Kim đến Hoa Kỳ theo diện HO cùng cha mẹ và 6 anh chị em, nàng là người con áp út - Vào năm 1990 Thiên Kim vừa tròn 20 tuổi. Ðến xứ lạ quê người trong hoàn cảnh gia đình khó khăn, chính phủ Hoa Kỳ chỉ cấp dưỡng trong vòng 8 tháng mà thôi, sau đó mỗi người lăn bổ đi tìm việc... Thời ấy công việc làm không thiếu, hãng xưởng tại vùng Silicon tràn ngập nên anh chị em nàng tìm việc rất dễ dàng.

Hàng ngày Thiên Kim đi đến hãng điện tử Solectron làm việc, nơi đây nàng gặp rất nhiều người Việt Nam cũng là nhân viên như nàng - Niềm vui tao ngộ đồng hương đã cho nàng thêm sức sống, cha nàng là Ðại Tá QLVNCH thời đệ nhị Cộng Hòa. Qua chương trình HO 1 gia đình không rớt lại một ai nên cha mẹ nàng cũng có phần mãn nguyện. Nhưng tạo hóa trớ trêu gây cảnh đất bằng dậy sóng, một buổi cha nàng đi tập thể dục như hàng ngày cha vẫn đi bộ suốt hai giờ liền trong những dãy nhà song song với nhà nàng. Một người đàn bà từ đâu xuất hiện đi bộ sau lưng cha rồi bà kiếm chuyện làm quen, ba nàng tuy năm ấy cũng đã tròm trèm 70 nhưng trông vẫn còn tráng kiện, nhìn cứ tưởng khoảng 60 thôi - Thường thì mỗi ngày ba nàng chỉ đi bộ vài giờ vào buổi sáng là về nhà ăn điểm tâm, cà phê mẹ dọn sẵn để trên bàn cho cha - Hơn một tháng nay cha nàng đã thay đổi cách sống, sáng ra đường là cha đi một mạch tới tối mới về nhà, cha chưng diện chải chuốt bảnh bao một cách lạ thường, cha không còn thời giờ quan tâm các con hay là săn sóc mẹ nàng như xưa...Mẹ buồn rầu đâm bệnh nặng, cơn bệnh trầm tư từ trong óc não đã khiến mẹ nàng không nói được và nằm liệt suốt hai năm liền - Sau khi thấy bệnh tình của mẹ càng ngày càng nguy nan, cha hối hận quay về thì đã muộn, mẹ nàng từ giã cõi đời vào một đêm mưa bão bất ngờ từ đâu thổi tới bởi xứ thung lũng này ít khi được mưa bão đoái hoài, mưa thỉnh thoảng có thì như mưa phùn lác đác vậy thôi...

Mẹ nằm bất động trên giường sau khi anh chị em nàng đã chạy chữa qua nhiều Bác Sĩ Y Khoa và Ðông Y, tất cả đều bó tay chờ định mệnh an bài - Trên tay mẹ vẫn cầm một chiếc đồng hồ bằng vàng mà như Thiên Kim biết là quà sinh nhật cha đã tặng mẹ cách nay ba năm - Mẹ không đeo chiếc đồng hồ vào tay mà chỉ cất giữ trong chiếc hộp thủy tinh tuyệt đẹp, nhiều lúc chị gái nàng hỏi:

- Sao mẹ không đeo đồng hồ ba tặng, bàn tay mẹ thon thon, cổ tay đầy đặn, mẹ đeo vào sẽ đẹp và tăng thêm sự quý phái, hay mẹ để con lấy đồng hồ ra đeo hộ cho mẹ nhé?

- Ðừng con, mẹ ôn tồn trả lời: Mẹ quý chiếc đồng hồ ba đã tặng như chính bản thân của mẹ, mẹ không muốn nó bị trầy hay bị cũ đi nên mẹ chỉ để dành ngắm nghía mà thôi, thấy nó là thấy hình ảnh ba con... Dạo nầy ba con sinh tật đam mê người đàn bà khác bỏ mẹ cô đơn, không có ba con bên cạnh thì có chiếc đồng hồ thay thế mẹ cũng thấy bớt đi phần nào niềm đau đớn tuy biết rằng mẹ đã phải ôm vào cuối cuộc đời niềm bất hạnh không ngờ!

Sau lần tậm sự đó mẹ nàng không nói được nữa và lâm bệnh trầm kha từ giã cuộc đời đau thương tủi phận, ngày tang lễ cha quỳ xuống ăn năn hối hận, nước mắt cha tuôn trào trên gương mặt héo hon khắc khổ... Cha bước đến bên mẹ tháo chiếc đồng hồ đã chặt cứng trong bàn tay giá lạnh của mẹ rồi mang vào cườm tay mẹ với cõi lòng nát tan.

Lá đã rụng đầy trên lối đi

Mùa thu vàng úa nỗi ai bi

Ðông về trong gió buồn se lạnh

Ai biết lòng ta trĩu nặng gì...

Chưa giã từ nhau sao vội đi

Nửa chừng lỗi nhịp khúc từ ly

Trăm năm một thoáng mơ hồ mộng

Người đã xa rồi, lệ ướt mi

Nhân thế đau buồn chuyện tử sinh

Bao nhiêu họa phúc giữa điêu linh

Phù du, tan hợp là thân phận

Biển khổ lênh đênh một chữ tình

Ai tiếc mùa thu, thương lá rụng

Ai về ấp ủ mộng xuân sang

Cho tôi gửi gấm niềm tâm sự

Ðến chốn vô cùng của nát tan...

Mùa thu Cali buồn và lạnh, những chiếc lá vàng thi nhau rơi lác đác ven đường làm lòng Thiên Kim chùng xuống, hai tuần vắng bóng người mẹ thân yêu vĩnh viễn, nàng biết làm gì để khỏa lấp nỗi trống vắng đến ghê sợ này, cha thì nằm li bì trong phòng riêng suốt ngày đêm, khi cần ăn uống cầm chừng cha ra ngoài bàn ngồi lặng lẽ và thường lẫn tránh cặp mắt anh chị em nàng - Mất người vợ hiền dường như cha cũng bỏ luôn người đàn bà hắc ám kia nên sau mấy tháng liền cha không đi tập thể dục và cũng không thấy cha đi ra khỏi nhà cũng không còn chưng diện như xưa.

Gió vẫn rít từng cơn não nuột, trên xa lộ mênh mông đơn độc Thiên Kim thấy buồn cho số phận mỏng manh, gần ba chục tuổi đầu không tìm được một tình yêu... Những hàng cây xanh đỏ tím vàng san sát bên nhau đẹp lạ lùng cũng không làm nàng vui được, những hình ảnh trước mắt mà hàng ngày nàng vẫn không quan tâm khi đi làm trên thành phố xa xôi này, hôm nay bất chợt nàng nhớ đến một bài thơ của một thi nhân đã tả về cảnh đẹp mùa thu, vì thích thú nàng đã thuộc lòng bài thơ tự khi nào không hay...Thiên Kim lẩm nhẩm:

Cho đến muôn đời thu vẫn đẹp

Lá vàng pha lá đỏ tươi xinh

Bên đường lặng lẽ hàng cây đứng

Những đóa hồng khoe sắc hữu tình

Phố Palo Alto êm đềm thơ mộng

Một buổi chiều lữ khách ghé thăm

Hoa lá reo vui theo gió lộng

Làm say lòng bao gã thi nhân...

Ta cũng say sưa phố lạ chiều

Muôn trùng lá thắm đọng thương yêu

Dọc theo con lộ dài hun hút

Vàng, đỏ, nâu, hồng... thoáng tịch liêu

Rừng lá mùa thu trải khắp miền

Ðiểm tô thêm đẹp phố bình yên

Ta ngơ ngẩn với ngàn hoa lá

Hồn bướm mơ tiên... chẳng lụy phiền

Ta thấy quanh ta xác lá vàng

Quyện tròn trong gió buổi thu sang

Tưởng như ai đó đang vương vấn

Cho mộng thêm dài... lạnh gối chăn!

Cảnh đẹp cho hồn ta ngất ngây

Tình thơ lai láng giữa trời mây

Nhìn thu ta bỗng lòng say đắm

Giấc mộng Hằng Nga... giữa cõi này...

Tâm hồn Thiên Kim bay bỗng như hòa nhập vào những câu thơ trữ tình kia, bỗng "rầm" nàng đã tông vào xe phía trước, người lái xe mở cửa bước xuống tiến về phía Thiên Kim khi nàng vội vã tắt máy ngừng xe lại ngay sau xe người ấy - Một người đàn ông nước ngoài, có lẽ là người Iran Iraq hay Ấn Ðộ gì đây...Thiên Kim hạ kiếng xuống ngồi im chờ thái độ người kia để nàng hạ mình xin lỗị Ông ta nhìn nàng rồi nói nhỏ nhẹ một tràng tiếng Anh, tay chỉ vào chỗ xe bị đụng - Thiên Kim lính quýnh không biết phải làm sao, bởi nàng tiếng Anh không giỏi chỉ đủ để đi làm trong hãng xưởng mà thôi, nàng lấp bấp:

- I am sorry for this happening, but I have my insurance to cover for the damage of your car.

- That's all right! Would you please give me your car insurance, and your driver licensẹ Ông ta trả lời nàng.

Ông lấy số phone của Thiên Kim và ghi số xe cùng số bằng lái và insurance của nàng xong chào nàng và tiếp tục lái xe đi mà không gọi 911 - Thiên Kim hoàn hồn, đưa tay đấm vào đầu thật mạnh " từ nay quyết chừa tật mộng mơ khi lái xe nghe nhỏ khùng."

Ðã qua một tuần vẫn không thấy người bị nàng đụng xe làm gì cả, hay ông ta tốt bụng thương hại nàng mà không bắt nàng bồi thường. Nàng không tin vào điều mơ ước đó, dễ gì... " Người Việt Nam còn hoạ may có tình đồng chủng, ông này người khác giống khác giòng đừng mơ mộng viễn vông nữa nhỏ khùng ơi" Thiên Kim hay tự nguyền rủa mình là nhỏ khùng mỗi khi làm điều sai trật hay lỡ lầm xử lý thiếu đạo đức và trung thực với lương tâm... bởi lẽ đó nhiều khi nàng tự nghĩ " hay ta cứ mắng ta khùng rồi khùng thật rồi chăng, cũng nhan sắc, cũng khôn ngoan, lịch lãm mà chẳng thằng ma nào để mắt thương dùm, dù trong hãng ta làm khối người Việt đẹp trai bãnh chọe đếm không hết"...

Tiếng điện thoại reo vang cắt ngang dòng tư tưởng của Thiên Kim, lạ nhỉ, bây giờ là 10 giờ đêm, ai gọi mình vào giờ đi ngủ vậy? Tin chắc cha đã ngủ, các anh chị dần dần lập gia thất ra riêng, thằng út cũng đã ra trường đi làm xa, Thiên Kim yên tâm nhấc phone lên và giật thót người " chết cha rồi, thằng cha Iraq bị mình đụng xe hôm trước, chết cha rồi, mẹ ơi mẹ linh thiêng phù hộ cho con mọi việc êm xuôi tốt đẹp nha mẹ thương yêu của con".

Ông ta hẹn nàng ngày mai lúc 10 giờ sáng tại tiệm Tùng Auto Repair trên đường Senter để nàng trả tiền sửa xe cho ông - Nàng đồng ý nhận lời cái hẹn sáng mai tuy rằng cũng hơi lo ngại cho số tiền Repair không biết là bao nhiêu?

Gặp lại lần thứ hai, người đàn ông rất tự nhiên và cởi mở trò chuyện thân mật với nàng, dù không giỏi tiếng Anh nhưng nàng cũng khá về từ ngữ nên đã hiểu được những gì ông ta vừa trao đổi và tìm hiểu về bản thân nàng... Thì ra ông ta là người Ấn Ðộ, với đôi mắt sáng tinh anh, nước da ngâm, thân hình bệ vệ có vẽ hơi phì... tướng thì cũng ngon cơm nhưng đi chiếc xe cũ kỹ thì chắc chắn cũng nghèo rớt mồng tơi như ta thôi, cái mộng ông ta thương tình mà không đền tan vào mây khói lãng du rồi nhỏ khùng ơi...

Một phép mầu từ đâu đưa đến, chắc hồn mẹ linh thiêng đã phù hộ cho nàng, sau một hồi nói chuyện ông mời nàng đi ăn trưa để thời gian cho tiệm Tùng định giá cả hư hại thế nàọ Khi trở về chỗ sửa xe ông nói với người chủ "I'm going to pay by my credit card."

Một cảm mến tư cách người ngoại quốc lâng lâng trong hồn người con gái Việt Nam, nàng nhìn trăng đêm nay sao đẹp và thơ mộng hơn những đêm trước, Thiên Kim có tật thức khuya ngồi lặng lẽ một mình ôm vào lòng bao tâm sự rồi tự than vãn một mình và quyết định một mình, phải chăng cuộc đời nàng là cả một chuổi cô đơn và tự quyết, tự lập như chính bản thân nàng trong hiện tại - Từ tình cảm thân mến đó, người đàn ông Ấn Ðộ tên Kan đã đến thăm nàng tại nhà riêng của cha con nàng, cha không có phản ứng gì bởi thấy nàng cũng đã lớn, toàn quyền quyết định chuyện riêng tư - Ai dè chuyện đụng xe lại đem đến cho nàng một may mắn có được một tình thân bè bạn, chắc chắn là mẹ chớ không còn ai vào đây mà giúp nàng như thế cả - Mỗi lần đến nhà thăm nàng ông Kan thường đến bên bàn thờ Mẹ lấy một nén nhang đốt lên và cắm vào chiếc lư nhang, nàng để ý thấy điều đó không bao giờ ông Kan quên làm sau khi ngồi vài ba phút... Cảm động trước tình người cao đẹp có đạo đức như vậy, Thiên Kim dần dà yêu thương tuy biết rằng ông ta cũng nghèo khó cơ hàn không thể lo cho nàng một cuộc sống tốt đẹp và khấm khá hơn.

Thời gian dần trôi qua trong những bước thăng trầm, trong tình yêu chân thật của cả hai, một hôm Thiên Kim hỏi:

- Em không hiểu tại sao anh là người khác chủng tộc với em mà lại quá tốt, mỗi lần đến nhà em là y như rằng chỉ vài phút sau là anh đốt nhang cho Mẹ, em để ý chưa một lần nào anh quên, người Ấn Ðộ tâm hồn cao đẹp quá anh nhỉ!

- Kan cười " không phải vậy đâu em cưng, người Ấn Ðộ không tốt như em tưởng đâu, chẳng qua nhà em nấu nướng thứ gì mà hôi quá anh không chịu nổi nên phải đốt nhang cho nó khử bớt mùi vậy thôi, thú thật mỗi lần anh đến thăm em là vì tình thương thật sự chứ mỗi lần đến là mỗi lần bị ngột ngạt cái mũi của anh em biết không? Nói xong Kan ôm chặt lấy nàng vì sợ nàng giận, Thiên Kim ngượng chín cả người, ôi chao người Việt Nam chúng tôi ăn uống thứ gì mà để ông chê bai như thế, thì ra vì nguồn gốc tổ tông, nước mắm, xì dầu, mắm tôm, mắm cá... Rồi mà xem, cứ chê đi, mai mốt thành vợ thành chồng tớ sẽ cho nhà ngươi lãnh đủ các món ăn mà nhà ngươi sợ hãi... Nghĩ thế Thiên Kim cười một mình, đây là cách trả thù độc đáo của đàn bà Việt Nam chúng tôi mà...

Cuộc tình Ấn Ðộ Việt Nam kéo dài hơn hai năm, nàng không bao giờ hỏi Kan làm việc gì và làm việc ở đâu, chỉ biết chàng bằng tình yêu chân thật, mỗi ngày chàng mỗi vun quén đậm đà thêm lên, hàng ngày sau khi đi làm về Kan ghé nhà thăm cha nàng, mua cho ông vài hộp sâm, vài chai rượu vang ít tiền, chưa khi nào Kan mời nàng đi shopping mua sắm ngoại trừ chàng mua thức ăn mang đến cho nàng nấu nướng và chàng đã biết ăn chút chút những thức ăn mà trước đây nghe mùi Kan sợ hãi - Ðêm nay Kan xin phép cha nàng ở lại với Thiên Kim để bàn việc hôn nhân và được cha đồng ý. Nằm gọn trong vòng tay thương yêu của Kan, từ những chiếc hôn nồng nàn chàng trao gửi, Thiên Kim không mong ước gì hơn được sống mãi bên Kan với tình yêu tuyệt đẹp như đêm nay, ngày xưa nhà thơ Xuân Diệu đã có câu "Yêu là chết ở trong lòng một ít vì mấy khi yêu mà chắc được yêu, cho rất nhiều nhưng nhận chẳng bao nhiêu..." Ối chao, chỉ viễn vông thôi, đã yêu nhau thì cho nhiều cho ít có nghĩa gì đâu, như Kan và mình đây, Ấn Ðộ và Việt Nam nghèo bỏ xừ cái thân vẫn yêu nhau hết mình không thấy sao hỡi nhà thơ Xuân Diệu?

Thắm thoát mùa xuân cũng sắp đến, Kan đã bàn tháng 12 tổ chức đám cưới, Thiên Kim dành phần chọn nhà hàng Việt Nam cho nhẹ tiền và quan khách tham dự của nàng toàn là người Việt Nam - Kan đồng ý cùng nàng chọn nhà hàng Phú Lâm thức ăn vừa ngon lại vừa rẻ có tiếng từ hơn hai chục năm qua - Cả hai hân hoan đến gặp anh Kim chủ nhân lấy ngày giờ đặt tiệc.

Sáng nay Kan gọi đến bảo Thiên Kim ở nhà nghỉ một bữa đi tham quan vài chỗ làm nơi thung lũng Silicon cùng anh, Kim thầm nghĩ chắc lại mất việc rồi đây, sợ nàng buồn không dám nói chăng bởi ngày cưới sắp đến mà không việc làm, không tiền bạc thì rõ khổ thân em và cả thân anh, cha mẹ anh thì ở bên Ấn Ðộ, cha em thì nghèo lấy ai giúp đỡ chúng ta khi đã đến nhà hàng đặt tiệc, đặt ngày và đặt cọc? Nàng đi với chàng nhưng lòng buồn rười rượi chẳng thiết nói cười chỉ ậm ọe trả lời qua loa khi chàng hỏi - Kan dẫn nàng vào một tòa Building rộng lớn, một hãng điện tử tọa lạc trên vùng Fremont, theo Kim biết thì đây là một hãng điện tử lớn nhất nhì thành phố Silicon, nàng càng lạ lùng khi thấy Kan cứ dẫn nàng đi tuồn tuột vào bên trong mà không ai cản ngăn Kan và nàng cả, Kim không dám hé môi nửa lời khi thấy dáng vẻ nghiêm chỉnh của Kan và bộ Veston tươm tất của chàng, bụng Kim thầm nghĩ "Ði apply job mà ăn mặc giống như ông chủ, bộ xứ Hoa Kỳ này chuộng vẻ ngoài mới nhận làm việc hay sao, khéo vẽ vời chi dữ vậy Kan của em, anh hôm nay mà không nhận được job là sẽ bị nhỏ khùng này chọc quê cho mà biết".

Kan dẫn nàng vào phòng cuối cùng, nàng chưa biết phải ngồi đâu khi nhìn bàn ghế sa cừ lộng kiếng quá lộng lẫy sang trọng, nàng ké né đứng bên Kan thì thấy có mấy người vào gật đầu nghiêm chỉnh chào Kan với những ngôn từ Ấn Ðộ và tiếng Anh, Kan ngồi xuống chiếc ghế giữa bàn và nói với họ: 'This is my fiance' rồi chàng chỉ chiếc ghế kế bên chàng cho Kim ngồi - Thiên Kim bừng tỉnh, thì ra Kan là ông chủ hãnh Ðiện Tử to lớn này, bấy lâu nay chàng đã thử thách con người Kim, thử thách tình yêu của Kim, mẹ ơi... mẹ ơi... Kim vui mừng nhắc đến mẹ thân yêu và nước mắt rưng rưng, nàng cố kềm hãm bởi trước mặt mọi người nàng nghiễm nhiên là bà chủ và mọi người đang một mực quý trọng nàng, nàng không vì xúc động riêng tư mà để lộ niềm hân hoan bất chợt với mọi người xung quanh.

Tuần sau Kan cho Kim biết là nàng sẽ không phải đi làm nữa, Kan đưa cha nàng và nàng về một ngôi nhà mới sang trọng trên đồi Los Altos Hill - Kan giao hãng cho phụ tá phó Giám Ðốc cai quản, chàng cùng Kim đi mua sắm nữ trang, quần áo cưới và mọi vật dụng cần thiết trang hoàng cho ngày cưới, chàng không quên đặt cho cha vợ hai bộ Veston và mua tặng ông một chiếc đồng hồ Rolex đắt giá của Thụy Sĩ.

Hạnh phúc là một thiên đàng tuyệt hảo dành cho Kim, nàng đã sống đã yêu với sự chân thành từ trái tim, nàng đã được đền bù xứng đáng. Sau ngày cưới Kan đưa nàng đi hưởng tuần trăng mật tại Paris nơi có những kỳ quan lịch sử và có những danh lam thắng cảnh tuyệt vời - Kan không quên mời cả người cha vợ tôn kính cùng đi cho ông có cơ hội du lịch Paris mà ông hằng ao ước.

Tình yêu hạnh phúc sự nghiệp đã chào đón người phụ nữ Việt Nam thân thương của chúng ta, trong trái tim người Ấn Ðộ đã khắc sâu hình ảnh người vợ Việt Nam trân quý, tác giả viết bài này với lòng cảm mến thật xâu sa tấm tình tốt đẹp hiếm có của hai nhân vật trong cốt truyện qua cuộc sống thật ngoài đời tại thung lũng Silicon hoa vàng muôn thuở - Có một vài hư cấu cho câu chuyện súc tích lãng mạn hơn và thấm thía hơn trong cuộc sống ly hương - Kan và Kim đã sống hạnh phúc gần 10 năm qua và có với nhau 4 mặt con, ba gái, một trai, những đứa con lai hai dòng máu Ấn Việt xinh đẹp và khôn ngoan vô cùng.

 

=END=

 

**********************************

 

 
 
 
 
 
Home Page
 
 
 
Tài Liệu
 
Tài liệu
Tài liệu Lưu trữ
Tin tức Lưu trữ
Nguyễn Quang Duy